Hỗ trợ - Hotline +(84)43 9428 106

Hiệu quả từ áp dụng 'phạt nguội' vi phạm giao thông

(TBTCVN) - Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67), Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội, Bộ Công an đã có cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN về công tác bảo đảm ATGT cũng như những hiệu quả và khó khăn của hình thức phạt "nguội".

Hiệu quả từ áp dụng 'phạt nguội' vi phạm giao thông

* Xin ông cho biết về tình hình xử phạt vi phạm Luật Giao thông và số tiền phạt thu được trong năm 2013 và 3 tháng đầu năm 2014 của lực lượng CSGT đường bộ, đường sắt?       

 - Để chủ động phòng ngừa và hạn chế TNGT, lực lượng CSGT trên toàn quốc đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ, đồng thời tăng cường tuyên truyền vận động quần chúng kết hợp với tuần tra kiểm soát để kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm.

Trong năm 2013 và 3 tháng đầu năm 2014, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện và xử lý 6.185.625 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, thu nộp Kho bạc Nhà nước gần 3.498 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe (GPLX) 532.083 trường hợp, tạm giữ 39.130 ô tô, 734.697 mô tô và 15.070 phương tiện khác. Nhờ đó, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) được bảo đảm, TNGT giảm về số vụ và số người bị thương.

* Phạt “nguội” được coi là hình thức xử phạt có tính, răn đe cao, được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam hình thức này đã và đang được áp dụng như thế nào, thưa ông?

- Việc sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT như: Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng phần đường, làn đường… đã được triển khai trên toàn quốc, đạt hiệu quả cao tại một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long… Nhiều trường hợp vi phạm được phát hiện qua các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nhưng chưa dừng được phương tiện để kiểm tra, xử lý thì lực lượng CSGT báo cáo cấp có thẩm quyền thông báo đến chủ phương tiện, yêu cầu người vi phạm đến trụ sở công an nơi phát hiện vi phạm để giải quyết.

Bắt đầu từ tháng 10/2012, Bộ Công an đã triển khai xử lý vi phạm thông qua “Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự ATGT” từ Hà Nội đến Vinh và từ TP. Hồ Chí Minh đến Cần Thơ. Qua hơn 1 năm thực hiện, hệ thống đã phát hiện 16.290 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, trong đó có 10.319 trường hợp đã kiểm soát và xử lý ngoài hiện trường, chiếm 63,3%; tra cứu, xác minh (xử phạt qua thông báo vi phạm) đã gửi 5.971 thông báo đến chủ phương tiện yêu cầu người vi phạm đến xử lý, chiếm 36,7%; đã xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước gần 17,7 tỷ đồng; tước GPLX 3.119 trường hợp; tạm giữ 45 phương tiện gồm 10 xe khách, 20 xe tải và 15 xe con.

* Đâu là khó khăn, vướng mắc trong quá trình phạt “nguội”, thưa ông?

- Qua thực tế áp dụng, hình thức trên đã tác động mạnh mẽ đến ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, góp phần giảm TNGT, ùn tắc giao thông.

Tuy nhiên, cũng còn một số vướng mắc như: Lực lượng CSGT vẫn gặp nhiều khó khăn khi xác minh người điều khiển phương tiện vi phạm do các phương tiện khi mua bán không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu theo quy định; gửi thông báo đến chủ phương tiện thì nhiều chủ phương tiện cố tình trốn tránh. Do nguồn kinh phí còn hạn chế nên việc trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng CSGT chưa được triển khai rộng mà chỉ mới tập trung ở một số tuyến trọng điểm.

* Vậy để nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành Luật Giao thông của người tham gia giao thông cũng như nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, C67 đã có những giải pháp cụ thể nào?

- Ngay từ đầu năm, lực lượng CSGT đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm trật tự ATGT, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên phối hợp với Phòng Công tác chính trị Công an các địa phương, các phương tiện truyền thông đại chúng để phổ biến hướng dẫn người dân ở các vùng nông thôn, các doanh nghiệp và đội ngũ lái xe vận tải hàng hóa, hành khách các quy định về an toàn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự ATGT.  Trong đó tập trung vào các nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT như: sử dụng rượu, bia quá mức quy định; chạy xe tốc độ cho phép, tránh vượt sai quy định; chở quá khổ, quá tải,…

Bên cạnh đó, lực lượng CSGT cũng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; sử dụng có hiệu quả các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, hệ thống giám sát… để phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT.

* Xin trân trọng cảm ơn ông!

Trí Dũng - Thời báo Tài chính Việt Nam