Hỗ trợ - Hotline +(84)43 9428 106

Môi trường bị 'tấn công' bởi hàng chục triệu tấn tro xỉ từ nhiệt điện than

Tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện có nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao. Hiện nay nước ta có 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hơn 15,7 triệu tấn/năm…tiềm ẩn nhiều mối lo ngại về môi trường sinh thái và nền sản xuất nông nghiệp.

Môi trường bị 'tấn công' bởi hàng chục triệu tấn tro xỉ từ nhiệt điện than Tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện có nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao. Ảnh: TL

Ông Nguyễn Minh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng Việt Nam nhấn mạnh tại Hội thảo “Công nghệ nhiệt điện than và môi trường” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 5/11.

Nhu cầu điện tăng cao, nguy cơ ô nhiễm lớn

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, nền kinh tế càng phát triển thì nhu cầu về năng lượng càng tăng cao. Đối với Việt Nam, nhiệt điện than có vai trò vô cùng quan trọng. Thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, hiện tỷ lệ phát nhiệt điện than đang chiếm tới 34,37%.

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2020 tổng công suất nhiệt điện than khoảng 26.000 MW, chiếm 49,3% lượng điện sản xuất; năm 2025 đạt khoảng 47.600 MW, chiếm 55% điện sản xuất; năm 2030 đạt 55.300 MW chiếm 53,2% điện sản xuất.

Về vấn đề này, ông Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật nhiệt Việt Nam cho biết thêm, xu hướng của các nước trên thế giới là sau khi đã khai thác triệt để các nguồn thủy điện thì bắt đầu tính đến việc dùng nhiệt điện than để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong phát triển kinh tế - xã hội. Là một nước đang phát triển, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này khi mà nhu cầu về năng lượng đang tăng cao mỗi năm.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Minh Hiến, nhiệt điện than có những ưu việt như thời gian đầu tư ít, chi phí đầu tư vừa phải, quy trình vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa đơn giản hơn các loại hình khác. Trong khi đó, đến nay các dự án thủy điện dường như đã khai thác gần hết, nguồn khí tự nhiên khai thác cũng đã đến giới hạn…Do đó, nhiệt điện than tại Việt Nam đã và đang có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Trong vòng 15 năm (từ 2000 - 2015), tốc độ tăng trưởng của nhiệt điện than là 17%, sản xuất tới 80 tỷ kWh/năm.

"Tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện có nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao. Hiện nay nước ta có 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hơn 15,7 triệu tấn/năm… tiềm ẩn nhiều mối lo ngại về môi trường sinh thái và nền sản xuất nông nghiệp", ông Hiến nhấn mạnh.

Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước từ lúc thi công cho đến vận hành các nhà máy nhiệt điện than chưa được chặt chẽ, hiệu quả. Ngoài ra, hiện vẫn tồn tại nhiều chính sách còn bất cập khiến cho việc xử lý các chất thải tại nhiều nhà máy vẫn đang bị tồn đọng...

Chính vì vậy, theo các chuyên gia, nhu cầu điện năng ngày càng cao và sự lên ngôi của nhiệt điện than trong khi quản lý chưa hiệu quả đã khiến cho nguy cơ ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay rất lớn và đang cận kề, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái, đời sống xã hội và nền kinh tế, nhất là sản xuất nông nghiệp.

Cần kiểm soát chặt chẽ các dự án nhiệt điện

Theo Bộ Công Thương, theo quy định tất cả các nhà máy nhiệt điện đang xây dựng và đã đi vào vận hành đều có Báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và phê duyệt. Song, hiện vẫn có một số dự án có thay đổi hạng mục công trình bảo vệ môi trường so với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, điển hình là Nhà máy nhiệt điện Duyên hải 1, do đó chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình, hạng mục bảo vệ môi trường.

Bộ Công thương cũng cho biết thêm, tính đến nay, hầu hết các nhà máy đã lắp đặt hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống xử lý SO2 và hệ thống SCR để xử lý NOx đạt Quy chuẩn Việt Nam về môi trường. Chỉ có 2 nhà máy là Phả Lại I và Ninh Bình do công nghệ cũ nên không lắp đặt hệ thống xử lý SO2.

Bàn về giải pháp, theo ông Hiến, chúng ta cần phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ công nghệ ngay từ khâu thi công cho đến khi vận hành các nhà máy nhiệt điện. Trên thế giới nhiều nước tiên tiến đã áp dụng công nghệ siêu giới hạn để kiểm soát chất thải từ các nhà máy nhiệt điện than nhằm giảm suất tiêu hao cho các nhà máy nhiệt điện và giảm lượng khí phát thải ra bên ngoài như CO2, SOX, NOX…

Quan điểm của ông Nghĩa cho rằng, các nhà máy nhiệt điện than đều cần phải sử dụng các biện pháp khử các chất độc hại trước khi thải ra môi trường để giảm thiểu tác hại. Đồng thời, các phương pháp xử lý chất thải phải áp dụng công nghệ hiện đại. Lâu nay, chúng ta vẫn chưa chú trọng vấn đề quan trắc, đánh giá tác động môi trường…đã đến lúc cấp bách cần nhìn nhận và thực hiện một cách nghiêm túc trong việc đánh giá về chỉ số tác động môi trường, phải tổ chức quan trắc thường xuyên để đánh giá kết quả xử lý...

“Từ những vụ việc xả thải ra môi trường gây những hậu quả nghiêm trọng xảy ra vừa qua, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hơn nữa việc quản lý, kiểm tra, giám sát. Đồng thời cần có biện pháp xử lý nghiêm minh, công khai với các chủ đầu tư vi phạm các quy định khi thực hiện dự án”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh./.

Vào tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có Chỉ thị số 11/CT-BCT về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương nói chung, các nhà máy nhiệt điện nói riêng.

Theo Thời báo Tài chính