Hỗ trợ - Hotline +(84)43 9428 106

Khai báo hay kê khai?

Đối với hợp đồng bảo hiểm, khai báo liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm của người được bảo hiểm trong Luật kinh doanh bảo hiểm Việt nam được quy định cụ thể...

Khai báo hay kê khai?

1.  Quy định khai báo bảo him trong Luật kinh doanh bảo hiểm Việt nam.

Đối với hợp đồng bảo hiểm, khai báo liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm của người được bảo hiểm trong Luật kinh doanh bảo hiểm Việt nam được quy định cụ thể như sau:

Điều 17. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, tại mục 1, điểm B) quy định: “Yêu cầu bên mua bảo hiểm cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm;”.

Điều 18. Quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm tại mục 2, điểm B) v à C) quy định: “B) Kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm;            C) Thông báo những trường hợp có thể làm tăng rủi ro hoặc làm phát sinh thêm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm;”.

Điều 19. Trách nhiệm cung cấp thông tin quy định:

“1. Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm; bên mua bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm. Các bên chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin đó. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm giữ bí mật về thông tin do bên mua bảo hiểm cung cấp.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm và thu phí bảo hiểm đến thời điểm đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm khi bên mua bảo hiểm có một trong những hành vi sau đây:

A)  Cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường;

B)  Không thực hiện các nghĩa vụ trong việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 18 của Luật này. “

3. Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho bên mua bảo hiểm do việc cung cấp thông tin sai sự thật.”

Từ các quy định trên, ta thấy nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm chỉ là phải cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm. Ngoài  ra còn thông báo những trường hợp có thể làm tăng rủi ro hoặc làm phát sinh thêm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm.

Doanh nghiệp  bảo hiểm phải nêu hết các yêu cầu thông tin mà người được bảo hiểm cần khai báo. Thiếu sót trong khai báo do doanh nghiệp bảo hiểm không yêu cầu không thuộc trách nhiệm người được bảo hiểm.  

Như vậy quy định trách nhiệm khai báo bảo hiểm theo Luật kinh doanh bảo hiểm Việt nam dồn trách nhiệm nặng nề cho doanh nghiệp bảo hiểm. Thiếu sót trong khai báo bảo hiểm chủ yếu do doanh nghiệp bảo hiểm không nêu đầy đủ yêu cầu cho người mua bảo hiểm. Người mua bảo hiểm chỉ có một sai phạm duy nhất là “cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường”.

Biện pháp xử lý sai phạm là, Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm và thu phí bảo hiểm đến thời điểm đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm nếu bên mua bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm và ngược lại.

2. Quy định khai báo bảo hiểm trong Đạo Luật bảo hiểm hàng hải Anh quốc (MIA).

Tiết 17 Đạo luật bảo hiểm hàng hải Anh 1906 (MIA) quy định: “Một hợp đồng bảo hiểm hàng hải là hợp đồng dựa trên sự trung thực tuyệt đối, và nếu sự trung thực tuyệt đối không được thực hiện bởi một trong hai bên, hợp đồng có thể vô hiệu bởi bên kia.”.

Các yêu cầu người được bảo hiểm về khai báo thông tin liên quan trước khi giao kết hợp đồng là một trong những ví dụ về trách nhiệm của trung thực tuyệt đối. Nó trái ngược với pháp luật áp dụng cho các hợp đồng thương mại khác, một bên không được coi là thông tin sai lệch khi họ không có trách nhiệm khai báo sự thật về những gì mà không được yêu cầu.

Như vậy, đối với hợp đồng bảo hiểm, khai báo của người được bảo hiểm là yếu tố quan trọng bậc nhất được MIA hết sức quan tâm. Tại tiết 18 (1) và (2) quy định:

‘’(1) Theo các quy định của phần này, người được bảo hiểm phải khai báo (must disclose) cho người bảo hiểm, trước khi hợp đồng được ký kết, mọi tình huống quan trọng (material circumstance) mà người được bảo hiểm biết và coi như phải biết (is deemed to know) mọi tình huống đó, trong quá trình nghiệp vụ thông thường đó (in the ordinary course of business), họ phải biết. Nếu người được bảo hiểm khiếm khuyết trong việc thực hiện khai báo này, người bảo hiểm có thể hủy hợp đồng.

(2)  Những tình huống coi là quan trọng, khi nó ảnh hưởng đến sự xét nhận (the judgment) của người bảo hiểm thận trọng (a prudent insurer) trong việc ấn định phí bảo hiểm (in fixing the premium) hoặc quyết định xem họ có chấp nhận rủi ro (he will take the risk).’’.

Để nêu lên tính chất quan trọng của việc khai báo bảo hiểm, đạo luật đã dùng chữ “disclose” có nghĩa là tiết lộ, vạch trần. Điều này nhắc nhở người tham gia bảo hiểm phải khai báo đầy đủ “mọi tình huống quan trọng (material circumstance) mà người được bảo hiểm biết và coi như phải biết (is deemed to know)” như quy định của đạo luật.

Theo quy định trên, tình huống coi là quan trọng khi nó ảnh hưởng đến sự xét nhận của người bảo hiểm thận trọng trong việc ấn định phí bảo hiểm và quyết định việc nhận bảo hiểm. Như vậy tình huống quan trọng như thế nào do không được hướng dẫn bổ sung cụ thể nên tùy thuộc doanh nghiệp bảo hiểm.

Để không bỏ sót, Người được bảo hiểm có thể phải gửi đến doanh nghiệp bảo hiểm một khối lượng thông tin lớn không được phân loại trong đó nhiều thông tin không cần thiết làm công việc trở nên phức tạp.

Theo Luật kinh doanh bảo hiểm Việt nam, doanh nghiệp bảo hiểm phải đặt câu hỏi để người được bảo hiểm trả lời.  Nếu họ không đặt thêm câu hỏi nào nữa có nghĩa là đã "từ bỏ" quyền thêm thông tin của mình. Tuy nhiên như vậy không đúng với quy định tại tiết 18 (1), (2) của MIA nêu trên.

Tóm lại, Luật Bảo hiểm hàng hải Anh tạo quá nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp bảo hiểm, ngược với quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm Việt nam, làm cho việc khai báo bảo hiểm trở nên phức tạp, nặng nề và có thể xảy ra tình trạng "xét nhận bảo hiểm ở giai đoạn khiếu nại". Điều này có nghĩa là khi xảy ra tai nạn người bảo hiểm mới yêu cầu trả lời những câu hỏi mà lẽ ra phải hỏi trong giai đoạn xét nhận bảo hiểm.

3.  Xu hướng cải cách quy định khai báo bảo hiểm của Đạo luật bảo hiểm hàng hải 1906.

Mặc dù Đạo luật 1906 dường như được soạn thảo cho bảo hiểm hàng hải, thực tế hầu hết các nguyên tắc của nó đã được áp dụng đối với bảo hiểm phi hàng hải là hiện thân của thông luật (the common law).

Đạo luật 1906 nói chung đã cung cấp cho thị trường bảo hiểm và ngành luật "một khuôn khổ pháp lý có thể sử dụng và toàn diện." (an accessible and comprehensive legal framework). Nó đã trở thành một mô hình cho việc soạn thảo luật, đặc biệt là quyền thực thi pháp lý trong thông luật, hình thành cơ sở của pháp luật về bảo hiểm hàng hải ở New Zealand, Australia, Malaysia, Ấn Độ, Hồng Kông, Canada và Singapore và ảnh hưởng đến luật pháp của Hoa Kỳ và Nhật Bản. Tuy nhiên, nhiều nước trong số các quốc gia này từ khi cải cách pháp luật của họ, đã không áp dụng trong thị trường quốc tế. 

Đạo luật 1906 ra đời trong hoàn cảnh thị trường bảo hiểm chưa cạnh tranh mạnh. Thị trường bảo hiểm chưa có nhiều số liệu thống kê về tình hình tai nạn hàng hải, lịch sử các đội tàu biển . . . Đạo luật viết ra trên cơ sở thực tế là người được bảo hiểm biết kinh doanh của họ, còn doanh nghiệp bảo hiểm thì không và được thiết kế để bảo vệ các ngành công nghiệp bảo hiểm còn non trẻ chống lại khai thác bởi người được bảo hiểm. Khi người được bảo hiểm vi phạm một nghĩa vụ, luật pháp cho cơ hội rất rộng cho các công ty bảo hiểm để vô hiệu hợp đồng và từ chối mọi khiếu nại, hoặc để từ chối trách nhiệm của mình, ngay cả khi các biện pháp đã được khắc phục.

“Nghĩa vụ khai báo thông tin này đã bị chỉ trích trong nhiều năm qua, bao gồm các báo cáo từ Ủy ban Cải cách Luật trong 1957 (the Law Reform Committee), từ Uỷ ban pháp luật 1980 (the Law Commission) và từ Hiệp hội Luật Bảo hiểm Anh (The British Insurance Law Association) năm 2002. Tiếp tục có bằng chứng là nghĩa vụ không làm tốt. Cụ thể:

(1)  Các nghĩa vụ hiểu chưa rõ ràng - và thường xuất hiện rất nặng nề mà người được bảo hiểm không biết làm thế nào để tuân thủ nó.

(2)  Các công ty trung bình đến lớn đặc biệt là không biết làm thế nào để đánh giá những gì công ty "biết hoặc phải biết". Họ không biết làm thế nào để thu thập thông tin cho khai báo.

(3)  Mặc dù có những ngoại lệ trong phần 18 (3), chúng được viết bằng ngôn ngữ cổ xưa và không thông dụng.

(4)  Đạo luật xuất hiện cho phép công ty bảo hiểm đóng một vai trò thụ động, mà không đặt câu hỏi về các vấn đề có liên quan. Điều này khuyến khích "xét nhận bảo hiểm tại giai đoạn khiếu nại", trong đó công ty bảo hiểm đặt câu hỏi chỉ khi một khiếu nại phát sinh, và sau đó sử dụng thông tin đó để đe dọa từ chối yêu cầu bồi thường.

(5)  Hũy bỏ là biện pháp khắc phục "tất cả hoặc không có gì", dẫn đến tranh chấp đối lập. Nó có thể là quá khắc nghiệt, cho phép công ty bảo hiểm từ chối toàn bộ yêu cầu bồi thường ngay cả khi, nếu họ biết thông tin đầy đủ, họ sẽ vẫn chấp nhận rủi ro nhưng tại một phí bảo hiểm cao hơn một chút.’’.

Xu thế chung của cải cách là quy trách nhiệm chính cho doanh nghiệp bảo hiểm phải nêu tất cả những câu hỏi cần thiết để người mua bảo hiểm trả lời như quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm Việt nam.

Tuy nhiên, Hiệp hội thị trường của Lloyd (The Lloyd's Market Association - LMA) bày tỏ lo ngại rằng thay thế này, có thể có nghĩa là nhiều vòng thuyết trình của môi giới được yêu cầu, để thiết lập các thông tin mà doanh nghiệp sẽ được dự kiến ​​tại buổi thuyết trình đầu tiên. Điều này sẽ cản trở hiệu quả thị trường . Nó có thể thay đổi thực tế thị trường, do đó doanh nghiệp bảo hiểm sẽ là một vấn đề của quá trình thực hiện do yêu cầu thẩm định vào kinh doanh của người được bảo hiểm, nếu công ty bảo hiểm nói đến mong đợi có "đầy đủ thông tin" sẽ được trình bày. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả thị trường và tăng chi phí ký kết hợp đồng và có thể gặp phản kháng từ người mua.  

Một lợi thế luật Anh có được là một số rủi ro bất thường (some unusual risks), được coi không thể bảo hiểm tại pháp luật khác, được bảo hiểm tại thị trường London khi sử dụng luật pháp Anh. Rõ ràng, trong những trường hợp này, các công ty bảo hiểm không thể chỉ đơn giản là đặt câu hỏi tiêu chuẩn. Cũng không phải các thông tin liên quan có sẵn. Mọi người đều biết rằng bổn phận của khai báo là đặc biệt có giá trị cho những rủi ro này, vì nó đảm bảo rằng người được bảo hiểm trình bày được toàn bộ phạm vi rủi ro mở rộng (full extent of risk).

4.   Khuyến nghị về khai báo bảo hiểm của Ủy ban luật Anh quốc.

Ủy ban luật đề nghị một nhiệm vụ mới của trình bày hợp lý (fair presentation) để áp dụng cho tất cả những người mua bảo hiểm không phải là người tiêu dùng (not consumers). Điều này sẽ bao gồm các nhiệm vụ hiện tại về khai báo thông tin và trình bày quy định trong Luật Bảo hiểm hàng hải 1906.

Năm khuyến nghị về khai báo của người được bảo hiểm:

Khuyến nghị 1: Đối với bảo hiểm phi tiêu dùng, pháp luật hiện hành quy định tại mục 18 đến 20 của Luật Bảo hiểm hàng hải 1906 nên được thay thế với một nhiệm vụ theo luật mới về nhiệm vụ trình bày hợp lý. Nhiệm vụ mới cần phản ánh chủ đề pháp luật hiện hành để các thay đổi sau:

Khuyến nghị 2: Nhiệm vụ khai báo thông tin cần phải có hai phần. Người được bảo hiểm phải hoặc là:

(a)    Khai báo mọi hoàn cảnh quan trọng mà người được bảo hiểm biết hoặc phải biết; hoặc

(b)   Nếu không làm được vấn đề này (failing that), khai báo đầy đủ thông tin để đặt một công ty bảo hiểm thận trọng lưu ý rằng họ cần phải thực hiện yêu cầu thêm cho mục đích khai báo những tình huống liên quan này.

Khuyến nghị 3: Quy chế nên bao gồm một danh mục chỉ dẫn và không đầy đủ (an indicative and non-exhaustive list) của các tình huống có thể là quan trọng, lấy từ các trường hợp pháp luật, cụ thể là:

(a)    Sự kiện đặc biệt hay bất thường liên quan đến rủi ro;

(b)   Bất kỳ mối quan tâm đặc biệt khiến người được bảo hiểm để tìm kiếm bảo hiểm;  và

(c)    Bất cứ điều gì có liên quan với các loại bảo hiểm và các lĩnh vực hoạt động (the class of insurance and field of activity) có thể hiểu chung như một cái gì đó cần được giải quyết trong một trình bày hợp lý rủi ro của các câu hỏi về loại đó.

Khuyến nghị 4: Người được bảo hiểm phải khai báo thông tin một cách nào đó hợp lý rõ ràng và được một công ty bảo hiểm thận trọng chấp nhận.

Khuyến nghị 5: Nhiệm vụ của trình bày hợp lý cũng nên bao gồm nhiệm vụ hiện tại không được trình bày sai lạc.

 Đây sẽ là một chế độ mặc định, và có thể thay đổi theo thỏa thuận giữa các bên.

5.  Khai báo hay kê khai?

Theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm Việt nam, dựa vào các câu: “Yêu cầu bên mua bảo hiểm cung cấp . . .”; “Kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm.”;  “Thông báo những trường hợp có thể làm tăng rủi ro hoặc làm phát sinh thêm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm;”. . .  thì dự thảo của Hiệp hội trong Phụ lục 02: chữ  “Declaration” dịch là “Kê khai” là hợp lý.  Tuy nhiên phần ghi chú nên ghi: “Phù hợp với quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm Việt nam thay vì là “Từ khai báo nghe nặng nề, nên thống nhất chọn từ kê khai.”.

Tuy nhiên, nếu theo luật pháp bảo hiểm Anh quốc và quốc tế, người ta rất quan tâm đến việc khai báo bảo hiểm vì nó làm tăng chất lượng dịch vụ bảo hiểm thì theo tôi nên dùng chữ khai báo có lẽ chính xác hơn.

Nguyn Nam Cường