Hỗ trợ - Hotline +(84)43 9428 106

Hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm

Luật kinh doanh bảo hiểm (KDBH) được ban hành ngày 09/12/2000, được sửa đổi bổ sung vào năm 2010. Luật KDBH đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam những năm qua, tạo nền tảng, cơ sở pháp lý rõ ràng cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm, với những quy định tương đối phù hợp với các cam kết quốc tế khi hội nhập thế giới của Việt Nam. Tính từ thời điểm ban hành luật năm 2000 đến nay, quy mô thị trường về doanh thu phí bảo hiểm tăng xấp xỉ 40 lần; về tổng tài sản các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) tăng xấp xỉ 60 lần; số lượng DNBH tăng từ 15 lên 63 DNBH và 1chi nhánh phi nhân thọ nước ngoài.

Hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm

Sau gần 2 thập kỷ phát triển và biến đổi của thị trường bảo hiểm, với sự xuất hiện của nhiều yếu tố mới về thành phần tham gia thị trường, quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, phương thức bán hàng, kênh bán hàng, sản phẩm bảo hiểm, rủi ro, công nghệ … có nhiều vấn đề phát sinh mà Luật hiện hành chưa có quy định, quy định chưa rõ hoặc quy định không còn phù hợp. Trong quá trình thực hiện chức năng quản lý giám sát bảo hiểm, tiếp nhận những phản ánh khó khăn vướng mắc, kiến nghị từ phía cộng đồng các DNBH và các bên liên quan khác, cơ quan quản lý đã nhìn nhận việc cần thiết phải sửa đổi/thay thế luật hiện hành bằng Luật KDBH mới phù hợp với sự phát triển của thị trường bảo hiểm hiện tại và tương lai. Tại hội nghị ngành bảo hiểm năm 2017 - 2018, lãnh đạo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (QLGSBH) đã đề cập tới chủ trương xây dựng Luật KDBH mới thay thế Luật hiện hành. Và mới đây, ngày 22/6/2018, Cục QLGSBH  và Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ tài chính) đã phối hợp tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Luật KDBH giai đoạn 2000 - 2017 và định hướng hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Tại hội thảo, các tham luận, phát biểu từ phía đại diện cơ quan quản lý bảo hiểm, viện nghiên cứu, Hiệp hội bảo hiểm, DNBH, các trường đại học… đã làm rõ một số hạn chế, bất cập của Luật KDBH hiện hành, qua đó kiến nghị những định hướng giải pháp hoàn thiện, như: bổ sung phạm vi điều chỉnh của luật để bao quát hết các thành phần tham gia thị trường (như dịch vụ bổ trợ bảo hiểm); một số quy định đã có cần được sửa đổi hoặc quy định rõ hơn (về người thụ hưởng, quyền lợi có thể bảo hiểm, chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm con người, xử lý phí bảo hiểm khi chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước thời hạn, cơ chế chia sẻ thông tin, cá nhân/tổ chức tham gia bảo hiểm, thế quyền đòi người thứ ba, bảo hiểm trùng, thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm, xác định lỗi khi loại trừ bảo hiểm, uỷ thác đầu tư, thời gian cân nhắc, miễn truy xét, giá trị hoàn lại, quy định về thời điểm phát sinh trách nhiệm, căn cứ bồi thường, hoạt động môi giới bảo hiểm, cơ cấu tổ chức của DNBH, chi nhánh nước ngoài, hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ…) hoặc bổ sung mới (quy định đối với hoạt động cung cấp dịch vụ bổ trợ bảo hiểm, bảo hiểm theo nhóm, bảo hiểm vi mô, bảo hiểm chỉ số, bán bảo hiểm qua biên giới, bán bảo hiểm qua giao dịch điện tử, bán bảo hiểm qua ngân hàng, bảo hiểm bảo lãnh, hoạt động đại lý tổ chức…); bổ sung thêm một số các loại hình bảo hiểm bắt buộc theo quy định của pháp luật để phù hợp với các văn bản pháp luật khác (như bảo hiểm du lịch, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho 1 số nghề nghiệp …); thay thế một số quy định hiện hành về vốn và biên khả năng thanh toán (như áp dụng quy định về vốn trên cơ sở rủi ro); bổ sung thẩm quyền của Bộ Tài chính nhằm đảm bảo thực thi tốt hoạt động quản lý giám sát và cưỡng chế thực thi (như các biện pháp can thiệp sớm khi DNBH có biểu hiện không đảm bảo khả năng tài chính, quy định về sử dụng kiểm toán độc lập, thanh tra độc lập…).

Để đạt mục tiêu xây dựng văn bản Luật KDBH mới trình Quốc hội thông qua vào năm 2020, còn nhiều việc cần làm. Được biết Cục QLGSBH đang trong quá trình tổng kết đánh giá luật hiện hành, tiến tới xây dựng dự thảo văn bản luật mới gửi các bên liên quan đóng góp ý kiến. Thiết nghĩ không cần chờ đến khi Cục QLGSBH gửi dự thảo văn bản luật đề nghị đóng góp ý kiến, Hiệp hội Bảo hiểm và các DNBH cần chủ động tổng hợp các vấn đề từ thực tiễn thị trường, nghiên cứu tham khảo thêm các luật KDBH của các nước khác (đặc biệt là các luật KDBH mới được các nước ban hành) để có những đóng góp thiết thực và kịp thời cho cơ quan quản lý bảo hiểm ngay trong quá trình xây dựng dự thảo. Hiệp hội mong muốn những DNBH hội viên nước ngoài được sự hỗ trợ từ tập đoàn, có điều kiện hiểu biết tốt hơn về hệ thống luật bảo hiểm và những vấn đề mới phát sinh của thị trường bảo hiểm các nước khác trong cuộc cách mạng 4.0 mà ở Việt Nam chưa xuất hiện - tham gia tích cực vào quá trình đóng góp ý kiến xây dựng luật. Hy vọng rằng, với sự nỗ lực của tất cả các bên, trong tương lai không xa chúng ta sẽ có được một Luật KDBH mới hoàn chỉnh hơn, khắc phục những hạn chế của luật hiện hành, bao quát được các vấn đề hiện tại cũng như tương lai của một thị trường bảo hiểm phát triển./.

Ngô Trung Dũng

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam