HIỆP HỘI BẢO HIỂM VIỆT NAM

Ngôi Nhà Chung Của Các Doanh Nghiệp, Tổ Chức Bảo Hiểm Hoạt Động Tại Việt Nam

24/08/2018 10:13:50 SA
Doanh nghiệp được vay lại không quá 70% tổng vốn đầu tư
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định về cho vay lại nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.

Trong đó, dự thảo nghị định đã phân nhóm các đối tượng vay, quy định chi tiết tỷ lệ vay, tỷ lệ cho vay lại, mức phí dự phòng rủi ro cho vay lại, tài sản bảo đảm tiền vay,… Điểm nhấn tại dự thảo là quy định tỷ lệ doanh nghiệp vay lại vốn không vượt quá 70% tổng vốn đầu tư của dự án.

Đảm bảo kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn vay                             

Đại diện cơ quan soạn thảo dự thảo nghị định cho biết, Bộ Tài chính đã nhận được 61 ý kiến đóng góp vào quá trình xây dựng dự thảo nghị định. Phần lớn các cơ quan thống nhất với dự thảo nghị định.

Theo Bộ Tài chính, dự thảo nghị định nhằm cụ thể hóa và bám sát các quy định tại Luật Quản lý nợ công năm 2017 về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ, phù hợp với Nghị quyết số 07-NQ/TW của Trung ương Đảng về tăng cường quản lý nợ công, chỉ vay trong khả năng trả nợ.

Dự thảo nghị định có mục tiêu: Đảm bảo kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn cho vay lại theo hạn mức cho vay lại, gắn với kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và nợ công ở mức an toàn được phép; tăng cường quản lý rủi ro, từng bước thực hiện cơ chế dự phòng xử lý rủi ro, đảm bảo chia sẻ rủi ro hợp lý giữa Nhà nước, doanh nghiệp và định chế tài chính, giảm tối đa bao cấp của Nhà nước trong hoạt động cho vay lại, tiến tới giảm dần quy mô cho vay lại; thực hiện cho vay lại đúng mục đích, sử dụng vốn cho vay lại có hiệu quả, thu hồi vốn cho vay lại đầy đủ, đúng hạn cho ngân sách nhà nước (NSNN) để đảm bảo nguồn vốn trả nợ nước ngoài.

Bộ Tài chính cũng rà soát, kế thừa các quy định còn phù hợp của Nghị định số 78/2010/NĐ-CP về việc cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, Nghị định số 52/2017/NĐ-CP về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; bổ sung các quy định mới nhằm phù hợp với Luật Quản lý nợ công năm 2017.

Quy định chi tiết tỷ lệ cho vay lại                          

Dự thảo nghị định thống nhất quy định lãi suất vay lại theo quy định tại Khoản 5, Điều 34 Luật Quản lý nợ công năm 2017 (khác với Nghị định 78/2010/NĐ-CP quy định lãi suất vay lại tối thiểu bằng lãi suất vay nước ngoài).

Theo đó, lãi suất vay lại bao gồm: Lãi suất Chính phủ vay nước ngoài, các khoản phí theo quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài, phí quản lý cho vay lại và dự phòng rủi ro cho vay lại.

Về mức phí dự phòng rủi ro cho vay lại, để rõ ràng trong quá trình áp dụng, dự thảo nghị định quy định 3 mức (là 0%/năm đối với cho vay lại chính quyền địa phương, 1% đối với cho vay lại đơn vị sự nghiệp công lập, 1,5% đối với cho vay lại doanh nghiệp).

Dự thảo tăng cường quy định về tài sản bảo đảm tiền vay, cụ thể giá trị tài sản bảo đảm tối thiểu bằng 120% giá trị vay gốc. Trong trường hợp giá trị tài sản bảo đảm tiền vay giảm thấp hơn dư nợ còn lại của khoản vay, bên vay lại phải có biện pháp bổ sung tài sản đảm bảo.

Trong bối cảnh nguồn vốn ODA không còn nhiều và có xu hướng giảm mạnh trong thời gian tới, dự thảo nghị định quy định tỷ lệ cho vay lại đối với vốn vay ODA và vay ưu đãi áp dụng cùng mức đối với từng nhóm đối tượng vay lại. Theo đó, các địa phương được phân nhóm căn cứ mức độ nhận trợ cấp của ngân sách trung ương (NSTW) là 3 nhóm và mức độ điều tiết về NSTW là 2 nhóm (TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thuộc nhóm một;  nhóm hai là các địa phương có điều tiết về NSTW còn lại).

Về tỷ lệ cho vay, dự thảo nghị định quy định 5 mức là 30%, 40%, 50%, 70% và 100% căn cứ theo khả năng tài chính, ngân sách của các địa phương, được tổng hợp thông qua tỷ lệ bổ sung cân đối từ NSTW hoặc tỷ lệ điều tiết về NSTW theo 5 phân nhóm trên.

Về tỷ lệ vay lại, dự thảo nghị định quy định, đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên và toàn bộ chi đầu tư thì dự kiến được vay lại 100%. Đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên và tự đảm bảo được một phần chi đầu tư, dự thảo kiến nghị tỷ lệ cho vay lại ở mức 50% vốn vay ODA, vay ưu đãi.

Đối với cho vay lại doanh nghiệp, tỷ lệ cho vay lại là 100% vốn vay nước ngoài, nhưng không vượt 70% tổng mức đầu tư của dự án. Theo đó, doanh nghiệp chủ dự án phải bố trí tối thiểu 30% vốn đối ứng từ nguồn vốn của doanh nghiệp...

Lý giải về tỷ lệ cho vay lại được quy định như trên, Bộ Tài chính cho rằng, khi cho vay lại tới các chính quyền địa phương, phần cho vay lại các địa phương nhận nợ và tính vào nợ công của địa phương; phần cấp phát thực chất là NSTW hỗ trợ cho các địa phương. Trong bối cảnh nợ công cao, nhằm đảm bảo dư địa vay nợ của NSTW để tập trung cho các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, dự án mang tính kết nối vùng, miền..., đối với các dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương theo phân cấp của Luật NSNN được tính trong chi của ngân sách địa phương, theo đó cần giảm dần mức trợ cấp của NSTW, nâng cao tính chủ động của địa phương.

Đồng thời, về phương diện NSNN, trên cơ sở tính toán khả năng thu và nhu cầu chi ngân sách địa phương đối với từng địa phương theo Luật NSNN, các mức tỷ lệ như trên đảm bảo khả năng cân đối ngân sách địa phương, mặt khác tăng tính trách nhiệm của địa phương và phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị về tăng cường quản lý ngân sách và nợ công tại Nghị quyết Trung ương số 07.

Đối với cho vay lại doanh nghiệp, tỷ lệ cho vay lại là 100% vốn vay nước ngoài, nhưng không vượt 70% tổng mức đầu tư của dự án.

Theo đó, doanh nghiệp chủ dự án phải bố trí tối thiểu 30% vốn đối ứng từ nguồn vốn của doanh nghiệp...