HIỆP HỘI BẢO HIỂM VIỆT NAM

Ngôi Nhà Chung Của Các Doanh Nghiệp, Tổ Chức Bảo Hiểm Hoạt Động Tại Việt Nam

24/08/2018 10:13:50 SA
Trung Quốc đang trong thời kỳ vàng của Bảo hiểm sức khỏe
Từ năm 2013, Chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy chiến dịch mang tên “Giấc mơ Trung Quốc” với những xu hướng mới nhất trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho thấy khả năng cải thiện về phúc lợi chung của toàn quốc. Trong những năm gần đây, các công ty dược phẩm cũng đã chứng kiến sự gia tăng lớn về doanh số mỗi năm, với một số công ty dược phẩm top đầu có báo cáo tăng trưởng hai con số trong năm 2017. Điều này có ý nghĩa gì đối với các công ty và người dân?

Sự nới lỏng quy định gần đây đã cho phép các công ty nước ngoài đầu tư vào thị trường dược phẩm Trung Quốc. Các nhà đầu tư quốc tế đã nhìn thấy một xu hướng gia tăng trong các quỹ giao dịch trao đổi (ETF) và ngày càng nhiều người dân đang tập trung vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Điều này mở đường cho các dịch vụ liên quan thâm nhập thị trường dễ dàng hơn cho các công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả dược phẩm và các công ty bảo hiểm.

Đồng thời, có sự gia tăng về nhu cầu chăm sóc sức khỏe khi dân số ở Trung Quốc đang già đi và ngày càng trở nên giàu có. Kết hợp với việc bơm vốn từ bên ngoài và các chính sách của chính phủ từ bên trong để hỗ trợ cho sự đổi mới, ngành công nghiệp dược phẩm Trung Quốc đang ngày càng tiến lên, điều mà một số người gọi là thời kỳ vàng cho cả lĩnh vực dược phẩm và bảo hiểm sức khỏe. Với nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng, ở Trung Quốc kể từ năm 2012 đến nay đã có sự gia tăng 49,2% về số lượng bác sĩ được cấp phép ở nước này và số lượng bệnh viện tăng 25,8%.

Một phân tích thống kê tiếp theo cho thấy, năm 2017, Trung Quốc là thị trường bảo hiểm lớn thứ 2 trên thế giới và là thị trường bảo hiểm sức khỏe lớn thứ 2 trên thế giới, theo thống kê của Axco. Với tổng phí bảo hiểm toàn thị trường là 541 tỷ USD trong năm 2017, trong đó bảo hiểm tai nạn và sức khỏe là 78 tỷ USD, có nhiều cơ hội lớn cho các công ty bảo hiểm cũng như các công ty khác hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Theo IQVIA, năm 2017 Trung Quốc cũng là thị trường dược phẩm lớn thứ 2 trên toàn cầu, trị giá 122,6 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên từ 145 tỷ đến 175 tỷ USD vào năm 2022.

Vậy làm thế nào để các quy định pháp lý đáp ứng theo sự tăng trưởng dự kiến này? Năm 2017, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc (CFDA) đã đưa ra một loạt các cải cách, bao gồm cho phép các thử nghiệm lâm sàng được tiến hành bên ngoài Trung Quốc. Cùng năm, trong nỗ lực quốc tế hóa thị trường, Trung Quốc đã tham gia Hội đồng hòa hợp quốc tế (ICH), nhằm mục đích đưa ra các hướng dẫn hài hòa cho phát triển và điều tiết dược phẩm toàn cầu. Không chỉ các tập đoàn lớn có thể hưởng lợi từ các quy tắc CFDA, những thay đổi cũng có thể mang lại nhiều kỳ vọng cho người dân.

Trung Quốc có số dân cư nông thôn khổng lồ, nhiều người trong số họ sống trong nghèo đói và điều này đã dẫn đến sự khác biệt lớn về tình trạng sức khỏe của người giàu - dân thành thị và người nghèo - dân cư nông thôn. Một số chuyên gia cũng lo ngại một cuộc khủng hoảng “ung thư tại Trung Quốc”, với phần lớn các trường hợp ung thư do các yếu tố như hút thuốc, ô nhiễm nước và ô nhiễm không khí. Với khoảng 700.000 ca chẩn đoán ung thư mới hàng năm, Trung Quốc có gần một phần ba số bệnh nhân ung thư trên toàn cầu.

Những nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc nhằm mở cửa thị trường dược phẩm và giúp đầu tư nước ngoài hiệu quả hơn hy vọng sẽ giúp người dân Trung Quốc dễ dàng tiếp cận chăm sóc y tế và thuốc men ngay cả ở các vùng nông thôn hẻo lánh.

Hoàng Duy lược dịch