HIỆP HỘI BẢO HIỂM VIỆT NAM

Ngôi Nhà Chung Của Các Doanh Nghiệp, Tổ Chức Bảo Hiểm Hoạt Động Tại Việt Nam

24/08/2018 10:13:50 SA
Hội thảo Lập kế hoạch Dự án thúc đẩy khung pháp lý cho Thị trường bảo hiểm cho người nghèo tại Châu Á (RFPI III)
Ngày 27 và 28/02/2019, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo Lập kế hoạch Dự án thúc đẩy khung pháp lý cho Thị trường bảo hiểm cho người nghèo tại Châu Á (RFPI III) với sự tham gia của hơn 40 đại biểu là đại diện của các bộ ngành, tổ chức bảo hiểm và chuyên gia trong nước cũng như nước ngoài.

RFPI do Chính phủ CHLB Đức tài trợ và được Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) phối hợp thực hiện cùng Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN) từ năm 2013 tại Việt Nam. Mục tiêu của dự án là cải thiện khả năng tiếp cận bảo hiểm ở 7 quốc gia châu Á, bao gồm Việt Nam.

RFPI III phát huy kết quả của hai giai đoạn trước và sẽ tập trung phát triển các giải pháp Bảo hiểm Rủi ro Khí hậu (CRI), đặc biệt là ở Indonesia, Philippines và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên thế giới.

Hội thảo nhằm giải quyết các vấn đề then chốt đối với sự tiến bộ và tăng trưởng của CRI tại Việt Nam. Hội thảo cũng tạo tiền đề thành lập một số đơn vị để triển khai dự án. Các đơn vị này bao gồm: Nhóm công tác quốc gia đóng vai trò chỉ đạo và quyết định đối với dự án; Các nhóm kỹ thuật về Chính sách, Phát triển sản phẩm; Ứng dụng công nghệ trong bảo hiểm toàn diện.

Phát biểu tại hội thảo, ông An Văn Khanh - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN) cho biết: “Hàng năm thiên tai, dịch bệnh đã gây thiệt hại của người nông dân khối tài sản ước tính khoảng 1,5-2% GDP, vì vậy người nông dân rất cần một sự bảo đảm cho thành quả và công sức lao động của mình và bảo hiểm nông nghiệp chính là một giải pháp hữu hiệu”.

Ông Bùi Thanh Hải, Phó Trưởng phòng Bảo hiểm phi nhân thọ, Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) nhận định: “Bảo hiểm nông nghiệp là sản phẩm mới, phức tạp với đa số doanh nghiệp bảo hiểm và nông dân. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu là nhỏ lẻ, phân tán, ứng dụng khoa học công nghệ thấp, khó quản lý và giám sát rủi ro. Bên cạnh đó, thiên tai và dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp diễn ra phức tạp, khó lường; có thể tác động trên phạm vi và quy mô lớn, hậu quả kinh tế nghiêm trọng. Trong khi đó, nguồn lực của doanh nghiệp bảo hiểm và địa phương vẫn còn hạn chế”.

Tiến sĩ Jasper Abramowski, Giám đốc GIZ tại Việt Nam bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn thúc đẩy và tích hợp các mục tiêu của dự án vào quá trình ban hành chính sách và quy định tại Việt Nam trong hiện tại và tương lai; Áp dụng những giải pháp sáng tạo nhằm phát triển các mô hình kinh doanh, sản phẩm mới tạo ra giá trị gia tăng; ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao khả năng tiếp cận bảo hiểm đối với những người có nhu cầu cấp thiết”.

Trịnh Tuyết Nga