HIỆP HỘI BẢO HIỂM VIỆT NAM

Ngôi Nhà Chung Của Các Doanh Nghiệp, Tổ Chức Bảo Hiểm Hoạt Động Tại Việt Nam

24/08/2018 10:13:50 SA
Kỳ vọng về hiệu quả chính sách bảo hiểm nông nghiệp
Sau 3 năm thực hiện (2011 - 2013), chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) đã đạt được những kết quả tích cực.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả thực tiễn, chính sách về BHNN đã dần được hoàn thiện, trong đó điểm nhấn là Nghị định 58/2018/NĐ-CP và mới đây nhất là Quyết định 22/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN. Việc triển khai BHNN nhằm khuyến khích doanh nghiệp triển khai BHNN, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại về tài chính khi xảy ra rủi ro.

Ngày 12/8, tại Hà Nội, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (QLGSBH - Bộ Tài chính), Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNN) và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã tổ chức hội nghị phổ biến chính sách về BHNN. Theo chương trình, ngày 23/8/2019, hội nghị này sẽ tiếp tục được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.

Kết quả thực tiễn

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Quang Huyền - Phó Cục trưởng Cục QLGSBH cho biết, BHNN được thực hiện thí điểm trong giai đoạn 2011 - 2013 đối với cây trồng (cây lúa), vật nuôi (trâu, bò, gia cầm) và thủy sản (tôm, cá tra) tại địa bàn 20 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Địa bàn được hỗ trợ phí BHNN: đối với cây lúa tại 7 tỉnh (Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp); đối với trâu, bò tại 8 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Hà Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương); đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng tại 5 tỉnh (Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau).

Thời gian thực hiện hỗ trợ phí BHNN từ ngày Quyết định số 22 có hiệu lực (26/6/2019) đến hết ngày 31/12/2020. Sau 3 năm thực hiện, chương trình thí điểm đã đạt được những kết quả tích cực. Theo đó, đến nay đã thiết lập được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thí điểm bảo hiểm trong nông nghiệp; hình thành được 3 sản phẩm BHNN bao gồm cây lúa, vật nuôi và thủy sản phù hợp với đặc tính của từng loại cây trồng, vật nuôi.

Chương trình thí điểm đã thu hút được các hộ dân ở các huyện, xã được lựa chọn thực hiện thí điểm BHNN của 20 tỉnh, thành phố tham gia. Theo số liệu thống kê của Cục QLGSBH, trong giai đoạn thí điểm, với sản phẩm bảo hiểm cây lúa, có tới 236.396 hộ nông dân tham gia (bao gồm: 76,5% hộ nghèo; 16,8% hộ cận nghèo; 6,7% hộ thường). Sản phẩm bảo hiểm vật nuôi cũng có 60.133 hộ nông dân tham gia (gồm: 84,1% hộ nghèo; 9,8% hộ cận nghèo; 6,1% hộ thường). Bảo hiểm thủy sản đã thu hút được 7.487 hộ nông dân tham gia (gồm: 27,4% hộ nghèo, 4% hộ cận nghèo, 68,6% hộ thường).

Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện bồi thường bảo hiểm kịp thời cho các hộ khi xảy ra tổn thất do rủi ro thiên tai, dịch bệnh, góp phần giúp hộ dân ổn định đời sống và có điều kiện tiếp tục sản xuất kinh doanh. Thống kê cho thấy, với sản phẩm bảo hiểm cây lúa, các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện bồi thường 17,4 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường 19%); bảo hiểm vật nuôi có tổng số tiền bồi thường 19,5 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường 23,3%); Bảo hiểm thủy sản có tổng số tiền bồi thường 675,9 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường 309,8%).

Cũng theo thông tin từ ông Nguyễn Quang Huyền, quá trình triển khai thí điểm đã có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNN, sự ủng hộ của các địa phương, nỗ lực của các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia triển khai.

Về cơ bản chính sách đã sẵn sàng

Trên cơ sở tổng kết thực hiện thí điểm giai đoạn 2011 - 2013, tổng hợp ý kiến đề xuất của các địa phương, Bộ Tài chính đã phối hợp cùng với Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về BHNN, nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý ổn định, minh bạch, thống nhất và các quy định mang tính đặc thù phù hợp với đặc điểm sản xuất nông nghiệp Việt Nam.

Triển khai thực hiện Nghị định số 58/2018/NĐ-CP, ngày 26/6/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN. Về cơ bản các địa phương được hỗ trợ lần này là các địa phương đã được hỗ trợ trong thời gian thực hiện thí điểm.

“Việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách về BHNN là tiếp tục cụ thể hóa chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; nhằm khuyến khích doanh nghiệp triển khai BHNN, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại về tài chính do các rủi ro xảy ra trong quá trình sản xuất” – ông Nguyễn Quang Huyền nhấn mạnh.

Tại hội nghị, ông Bùi Thanh Hải - Phó Trưởng phòng QLGSBH phi nhân thọ (Cục QLGSBH) đã trình bày các nội dung chính về Nghị định 58/2018/NĐ-CP và Quyết định 22/2019/QĐ-TTg.

Theo đó, Nghị định 58 quy định, BHNN được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện thỏa thuận, không giới hạn tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và phạm vi địa bàn. Đồng thời, chính sách hỗ trợ BHNN được thực hiện phù hợp với khả năng cân đối ngân sách trong từng thời kỳ, thông qua việc hỗ trợ phí BHNN cho một số tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và trong phạm vi địa bàn nhất định nhằm thực hiện chính sách an sinh xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp của Chính phủ.

Cũng tại hội nghị, ông Bùi Thanh Hải đã trình bày một cách cụ thể, dễ hiểu các nội dung chính, quan trọng của Nghị định 58, như: đối tượng áp dụng; các loại hình BHNN; các quy định cụ thể về hợp đồng BHNN; đồng BHNN; tái BHNN; chính sách bồi thường, cũng như các quy tắc, điều khoản, biểu phí BHNN, mức hỗ trợ, địa bàn thực hiện; trách nhiệm các bên tham gia; ...

Theo Quyết định 22, đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ phí BHNN bao gồm: cây trồng (cây lúa); vật nuôi (trâu, bò); nuôi trồng thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng). Về mức hỗ trợ phí BHNN, Quyết định 22 nêu rõ: Cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ được hỗ trợ 90% phí BHNN; cá nhân sản xuất nông nghiệp khác được hỗ trợ 20% phí BHNN; tổ chức sản xuất nông nghiệp đáp ứng các điều kiện cụ thể về hợp tác, liên kết, quy mô lớn có ứng dụng công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường được hỗ trợ 20% phí BHNN.

Việc thực hiện chính sách bảo hiểm được đánh giá là một trong những giải pháp giúp giảm gánh nặng hỗ trợ cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, theo ông Bùi Thanh Hải, đây là loại hình bảo hiểm mới và hướng tới nhóm đối tượng đặc thù nên quá trình triển khai mở rộng còn gặp phải một số khó khăn nhất định như: đối tượng tham gia còn khiêm tốn (hộ nghèo và cận nghèo chiếm tới 76,8%); đa dạng về mặt rủi ro, doanh nghiệp và sự phối hợp giữa các bên liên quan chưa nhiều kinh nghiệm,...

Chia sẻ kinh nghiệm tại hội nghị, đại diện Công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho hay, với loại hình bảo hiểm đặc thù như BHNN, muốn triển khai mở rộng phải được bà con nông dân chấp nhận. Vì vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải mất rất nhiều thời gian thuyết phục, giải đáp vướng mắc. Do vậy, người nông dân tham gia thì cần có nhiều thời gian để họ “thẩm thấu” mục tiêu và ý nghĩa của chính sách.

Tuy nhiên, chính sách BHNN được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả khi triển khai thực tiễn, đặc biệt là ý nghĩa mang lại đối với người nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Theo ông Bùi Gia Anh - Tổng thư kí Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cơ hội cho BHNN còn nhiều, bởi nền kinh tế Việt Nam có sự phát triển cao và ổn định, trong đó sản xuất nông nghiệp cũng có những bước phát triển ấn tượng. Đây là yếu tố thuận lợi để phát triển BHNN.