Hỗ trợ - Hotline +(84)43 9428 106

Tiêu điểm tháng 6/2018: Phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại

Với các chính sách phát triển kinh tế của Nhà nước đã tạo nhiều cơ hội để thúc đẩy sự ra đời và phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên cùng với những cơ hội, trong quá trình phát triển các doanh nghiệp cũng gặp phải những rủi ro và phát sinh tranh chấp liên quan đến Hợp đồng kinh tế, thương mại là điều không thể tránh khỏi.Bùi Gia AnhTổng Thư ký HHBHVN

Tiêu điểm tháng 6/2018: Phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại

Chính vì vậy, các doanh nghiệp luôn mong muốn khi có tranh chấp kinh tế, thương mại phát sinh thì cần có những cơ chế giải quyết tranh chấp linh hoạt, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế Việt Nam để bảo vệ quyền và lợi ích của các bên khi tham gia hợp đồng.

Trên thế giới, bên cạnh các phương thức giải quyết tranh chấp kinh tế, thương mại giữa các bên liên quan được giải quyết thông qua Trọng tài và Tòa án thì phương thức giải quyết tranh chấp bằng  hòa giải thương mại cũng đã được hình thành và phát triển từ lâu.

Tại Việt Nam, ngày 24/02/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại. Nghị định này đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động hòa giải thương mại được triển khai, kết quả hòa giải được pháp luật công nhận và quy định cơ chế thi hành. Nghị định đã quy định phạm vi, các nguyên tắc, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại, hòa giải viên thương mại, tổ chức hòa giải thương mại, tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam và quản lý nhà nước về hoạt động hòa giải thương mại.

Về phạm vi giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại gồm: Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; Tranh chấp giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại và Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng hòa giải thương mại.
Về nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại: Nghị định quy định, các bên tranh chấp tham gia hòa giải hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác. Nội dung thỏa thuận hòa giải không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền của bên thứ ba.
Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp sử dụng hòa giải thương mại để giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực thương mại và các tranh chấp khác mà pháp luật quy định được giải quyết bằng hòa giải thương mại và khuyến khích huy động các nguồn lực tham gia hoạt động hòa giải thương mại, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hòa giải viên thương mại tổ chức hòa giải thương mại.
Tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải thương mại nếu các bên có thỏa thuận hòa giải. Các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trước, sau khi xảy ra tranh chấp hoặc tại bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết tranh chấp.

Một quy trình hòa giải điển hình là các bên gửi yêu cầu hòa giải tới Trung tâm hòa giải,  đăng ký hòa giải, các bên được phép chọn hoặc chỉ định Hòa giải viên. Khi hòa giải viên bắt đầu tiến hành hòa giải, các bên gửi bản trình bày ý kiến và Trung tâm hòa giải sẽ tổ chức các phiên hòa giải. Cuối cùng sau các phiên hòa giải sẽ có văn bản về kết quả hòa giải thành và chấm dứt thủ tục hòa giải.

Một yếu tố tích cực của hòa giải thương mại là đội ngũ hòa giải viên đều là những người phải có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, độc lập, vô tư, khách quan; Có trình độ đại học trở lên, có kinh nghiệm công tác; Có kỹ năng hòa giải, hiểu biết pháp luật, tập quán kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực liên quan. Các bên có tranh chấp có quyền lựa chọn trong số những hòa giải viên những người mà các bên thấy là đáp ứng được yêu cầu để gải quyết vụ việc tranh chấp.

Nghĩa vụ của Hòa giải viên thương mại là phải Tuân thủ pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử của hòa giải viên thương mại; độc lập, vô tư, khách quan, trung thực; Tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm pháp luật và không trái đạo đức xã hội; Bảo vệ bí mật thông tin về vụ tranh chấp mà mình tham gia hòa giải, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc theo quy định của pháp luật;

Hòa giải thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp linh hoạt và hiệu quả vì nó được dựa trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận, tự nguyện thi hành mà không cần đến sự cưỡng chế của các cơ quan bên ngoài. Khi các bên đã lựa chọn hình thức hòa giải thương mại cho thấy các bên đã thể hiện thiện chí giải quyết tranh chấp, và các phán quyết của hội đồng hòa giải viên sẽ được các bên tiếp nhận, thi hành trên cơ sở đồng thuận. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, điều này đặc biệt có ý nghĩa khi giải quyết tranh chấp vì sẽ vẫn giữ gìn tốt mối quan hệ lâu dài đối với khách hàng.

Ngày 29/5/2018, Trung tâm hòa giải Việt Nam (VMC) trực thuộc Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã chính thức được ra mắt. Đây là Trung tâm trọng tài đầu tiên ở Việt Nam. Đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam có tham dự sự kiện này .

Theo đánh giá của các chuyên gia, hòa gải thương mại đã mở ra một kênh giải quyết tranh chấp có nhiều ưu điểm,với thủ tục đơn giản, linh hoạt, gọn nhẹ, bí mật, nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian, chi phí - hòa giải thương mại mang lại lợi thế cho các bên khi có cơ hội lựa chọn một quy trình phù hợp, tránh những thủ tục pháp lý phức tạp. Các bên cũng biết trước kết quả và được quyết định phương án hòa giải- đây là khác biệt quan trọng với việc giải quyết tranh chấp tại tòa án là phải chờ đợi phán xét của tòa. 

Chúng tôi tin rằng Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả và sẽ được cộng đồng các doanh nghiệp bảo hiểm nghiên cứu, đón nhận để có thêm sự lựa chọn trong việc giải quyết các tranh chấp hợp đồng bảo hiểm ngày càng gia tăng và phức tạp./.