Hỗ trợ - Hotline +(84)43 9428 106

Tiếp tục thực hiện tái cấu trúc thị trường Bảo hiểm

Ngày 20/9/2018, tại Hà Nội, Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2018 với chủ đề “Tái cấu trúc nền tài chính quốc gia hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của Việt Nam” được Bộ Tài chính tổ chức đã thành công tốt đẹp. 

Tiếp tục thực hiện tái cấu trúc thị trường Bảo hiểm

Bùi Gia Anh

Tổng Thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam

Phát triển nhanh, toàn diện và bền vững là xu hướng, mục tiêu và mối quan tâm của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Diễn đàn Tài chính Việt Nam năm nay đã thu hút khoảng 280 đại biểu đến từ các cơ quan tổ chức trong và ngoài nước, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế tài chính đến từ các cơ quan tổ chức trong và ngoài nước như Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… các tổ chức quốc tế bao gồm Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á, Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp quốc, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc, Viện Nghiên cứu chính sách (Bộ Tài chính Nhật Bản)… các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn báo chí.

Diễn đàn đã tập trung thảo luận làm rõ nhận thức về phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, cấu trúc của nền tài chính quốc gia và sự cần thiết phải tái cấu trúc nền tài chính quốc gia; đánh giá thực trạng tái cấu trúc nền tài chính quốc gia của Việt Nam, nhận diện những thách thức đặt ra trong quá trình tái cấu trúc hướng đến phát triển bền vững; những thách thức cốt lõi trong vấn đề an sinh xã hội; vai trò của tài chính cũng như xu hướng xã hội hóa công tác an sinh xã hội; xem xét mối quan hệ giữa thị trường tài chính và quá trình phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, các yêu cầu tái cấu trúc thị trường tài chính hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững hướng đến ba trụ cột là thị trường vốn, hệ thống ngân hàng, thị trường bảo hiểm; từ đó đưa ra những kiến nghị đề xuất và những chính sách, giải pháp cụ thể nhằm góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn kinh tế tài chính mà xã hội đặt ra.

Trong quá trình tái cấu trúc nền tài chính quốc gia, vai trò của việc tái cấu trúc thị trường bảo hiểm là hết sức quan trọng và gắn kết chặt chẽ với thị trường tài chính nói chung. Việc tái cấu trúc thị trường bảo hiểm đã được Chính phủ đề cập đến tại Quyết định số 1826/QĐ-TTg ngày 06/12/2012 phê duyệt Đề án “Tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm”. Sau hơn 5 năm triển khai, thị trường bảo hiểm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hệ thống pháp luật trong kinh doanh bảo hiểm ngày càng được xây dựng đầy đủ, đồng bộ với các quy định pháp luật khác có liên quan,  thị trường đã phát triển phù hợp với định hướng phát triển nền kinh tế - xã hội và tài chính quốc gia theo từng thời kỳ; tăng cường tính an toàn và hiệu quả bền vững của thị trường và khả năng đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của tổ chức cá nhân, đóng góp tích cực cho sự phát triển ổn định của nền kinh tế và an sinh xã hôi, thị trường bảo hiểm Việt Nam đang dần tiếp cận với các chuẩn mực thông lệ quốc tế và từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia trong khu vực.

 Trong hơn 5 năm qua thị trường bảo hiểm luôn duy trì tăng trưởng doanh thu ở mức cao trên 20%/năm, tổng tài sản bình quân tăng 21%/năm, tổng các quỹ dự phòng nghiệp bảo hiểm nhằm thực hiện nghĩa vụ cam kết chi trả bồi thường cho khách hàng của các Doanh nghiệp bảo hiểm tăng bình quân 21%/năm, tính đến tháng 8/2018 đầu tư trở lại cho nền kinh tế của các Doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 289.002 tỷ đồng.

 Việc tái cơ cấu, phát triển thị trường bảo hiểm  trong những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực, mặc dù vậy quy mô của thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn đạt thấp so với tiềm năng. Tính đến cuối năm 2017 tổng doanh thu của thị trường chiếm khoảng 2,75% GDP trong khi mức trung bình của các nước trong khu vực đạt là 3-5%  và thế giới đạt là 6 - 7%.

Tại Diễn đàn tài chính năm nay, tái cấu trúc thị trường bảo hiểm hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, cũng là chủ đề tiếp tục được quan tâm và tập trung thảo luận. Các chuyên gia tại diễn đàn đã trao đổi và làm rõ các vấn đề liên quan về: Vai trò của thị trường bảo hiểm đối với việc thực hiện các mục tiêu, yêu cầu về phát triển nhanh, toàn diện và bền vững; Mối liên hệ giữa sự phát triển của thị trường bảo hiểm với tăng trưởng kinh tế nhanh – toàn diện – bền vững; Tại sao phải tái cấu trúc thị trường bảo hiểm; Mục tiêu tái cấu trúc thị trường bảo hiểm hiện nay; Tái cấu trúc thị trường bảo hiểm hiện nay đã đạt được kết quả gì so với mục tiêu nhanh, toàn diện, bền vững, đặc biệt là mục tiêu bền vững và toàn diện gắn với 4 mục tiêu đầu tiên của SDGs (xóa nghèo, xóa đói, sức khỏe tốt và cuộc sống hạnh phúc, giáo dục chất lượng) đang tồn tại những hạn chế gì; Đối chiếu các mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh, toàn diện và bền vững trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng; Các chỉ tiêu phát triển toàn diện – bền vững của Liên Hợp Quốc (17 chỉ tiêu) đối với các nền kinh tế thì định hướng tái cấu trúc thị trường bảo hiểm hướng đến phát triển nhanh, toàn diện, bền vững trong giai đoạn tới như thế nào; Quan điểm tái cấu trúc thị trường bảo hiểm; Kinh nghiệm và thông lệ quốc tế và gợi ý cho Việt Nam.

Việc tái cấu trúc nền tài chính quốc gia nói chung trong đó có tái cấu trúc thị trường bảo hiểm nói riêng là cấp thiết đối với sự phát triển của đất nước và luôn là chủ đề nóng được Chính phủ và Bộ Tài chính quan tâm chỉ đạo thực hiện. Trong thời gian qua các hội viên của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã và đang chủ động thực hiện quá trình tái cấu trúc của doanh nghiệp, và đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp đổi mới một cách toàn diện từ thay đổi chiến lược kinh doanh, tổ chức lại bộ máy đến văn hóa doanh nghiệp nhằm mục đích nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh để tiếp tục phát triển.

Chúng ta tin tưởng rằng với sự nỗ lực, cố gắng phấn đấu không ngừng nghỉ của tất cả các doanh nghiệp hội viên, ngành bảo hiểm sẽ tiếp tục tăng trưởng bền vững và hiệu quả, tiếp tục phát huy vai trò của thị trường bảo hiểm Việt Nam, đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế và góp phần đảm bảo an sinh xã hội./.