Hỗ trợ - Hotline +(84)43 9428 106

Bảo hiểm nông nghiệp: Thách thức và cơ hội

Nghị định số 58/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 18/4/2018, Nghị định này quy định về bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp nhằm khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chủ động khắc phục, bù đắp thiệt hại về tài chính do các rủi ro xảy ra trong quá trình sản xuất. Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản ; Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật có liên quan; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.

Bảo hiểm nông nghiệp: Thách thức và cơ hội

Có 06 loại hình bảo hiểm nông nghiệp như Bảo hiểm đối với rủi ro định danh, Bảo hiểm mọi rủi ro, Bảo hiểm đối với tổn thất về thu nhập, Bảo hiểm theo chỉ số năng suất, Bảo hiểm theo chỉ số thời tiết, Bảo hiểm theo chỉ số viễn thám và các loại hình bảo hiểm nông nghiệp khác được triển khai thực hiện

Bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện thỏa thuận, không giới hạn tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và phạm vi địa bàn.

Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm được xác định trên cơ sở giá thị trường của đối tượng bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế. Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm không vượt quá số tiền bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.

Theo nghị định, các đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp gồm: cây trồng (lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, cây ăn quả, rau); vật nuôi (trâu, bò, lợn, gia cầm); nuôi trồng thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra).

Mức hỗ trợ đối với cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo tối đa 90% phí bảo hiểm nông nghiệp; cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện trên tối đa 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn có ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường: Hỗ trợ tối đa 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Việc hỗ trợ phí bảo hiểm được thực hiện thông qua doanh nghiệp bảo hiểm theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định này khi đã thực hiện giao kết hợp đồng bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm đã phát sinh trách nhiệm bảo hiểm. Kinh phí hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện được bảo đảm từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm.

Việc ban hành nghị định 58/2018/NĐ-CP nêu trên đã khẳng định bảo hiểm nông nghiệp là chủ trương lớn của Nhà nước và là một trong những giải pháp góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển.

Bảo hiểm nông nghiệp Việt Nam mặc dù đã được triển khai khá đồng bộ và quyết liệt, các cơ chế chính sách đã được cơ quan quản lý nhà nước ban hành thực hiện khá đầy đủ, tạo điều kiện cơ sở để các doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức triển khai thực hiện nhưng bảo hiểm nông nghiệp Việt Nam luôn bộc lộ không ít những khó khăn,thách thức.

Mặc dù có nhiều thách thức trong bảo hiểm nông nghiệp nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm trong thời gian qua cũng đã quan tâm triển khai bảo hiểm nông nghiệp. Qua 3 năm thực hiện, công tác thí điểm bảo hiểm trong nông nghiệp theo Quyết định 315/2011/QĐ-TTg đã đạt được kết quả bước đầu như: đã vận động được 304.017 hộ nông dân/tổ chức tham gia bảo hiểm nông nghiệp trên địa bàn 20 tỉnh trong cả nước; tổng giá trị được bảo hiểm là 7.747,9 tỷ đồng (trong đó cây lúa là 2.151 tỷ đồng, vật nuôi là 2.713,2 tỷ đồng, thủy sản là 2.883,7 tỷ đồng); Tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 394 tỷ đồng (trong đó thủy sản là hơn 218 tỷ đồng, chiếm 55,37%; cây lúa là gần 92 tỷ đồng, chiếm 23,23%; vật nuôi là hơn 83 tỷ đồng, chiếm 21,3%); Tổng số tiền đã giải quyết bồi thường bảo hiểm đến thời điểm 20/6/2014 là 701,8 tỷ đồng (trong đó thủy sản là 669,5 tỷ đồng, cây lúa là 19 tỷ đồng, vật nuôi là 13,3 tỷ đồng), tỷ lệ bồi thường bảo hiểm là 178,1%.

Cùng với những kết quả trên, trong quá trình triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, các cơ quan quản lý, các ban ngành cũng đã đánh giá về những khó khăn, vướng mắc: Bảo hiểm nông nghiệp là loại hình bảo hiểm mới, rất phức tạp, lần đầu làm thí điểm, chưa có nhiều kinh nghiệm triển khai; Phạm vi đối tượng, địa bàn bảo hiểm khá rộng, mặt khác do tính chất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam là sản xuất nhỏ, manh mún, thường xuyên chịu tác động của thiên tại, dịch bệnh… hệ thống công nghệ thông tin của địa phương và doanh nghiệp bảo hiểm còn hạn chế; lực lượng cán bộ mỏng, thiếu kinh nghiệm dẫn đến doanh nghiệp khó khăn trong công tác kiểm soát, hạn chế rủi ro, giám sát việc tuân thủ các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất, canh tác, nuôi trồng; giám định, xác định loại bệnh, dịch bệnh, thiệt hại… ; Rủi ro thiên tai, dịch bệnh trong bảo hiểm nông nghiệp nhiều khi mang tính chất thảm họa vì phạm vi, mức độ thiệt hại tài chính rất lớn, ảnh hưởng tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn trong các hợp đồng tái bảo hiểm; Công tác chỉ đạo, tuyên truyền có lúc, có nơi còn chưa quyết liệt và lúng túng nên một số địa phương có kết quả triển khai, nhưng số lượng hợp đồng chưa nhiều; Một số hộ dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp vẫn chưa thực sự quan tâm đến bảo hiểm.

Tổng kết kết quả thí điểm triển khai bảo hiểm nông nghiệp nêu trên, các cơ quan quản lý, các ban ngành đã đánh giá cao hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia thí điểm (Bảo Việt, Bảo Minh, Vinare) đó là: Mặc dù có nhiều khó khăn trở ngại, các doanh nghiệp đã nỗ lực, thể hiện tinh thần trách nhiệm (đã thành lập mạng lưới đại lý, cộng tác viên, tổ chức tập huấn và tăng cường công tác truyền thông về quy tắc bảo hiểm, quyền lợi bảo hiểm của các bên). 

Tiếp theo giai đoạn thí điểm, từ năm 2014-2018 theo số liệu của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, các doanh nghiệp bảo hiểm như Bảo Việt, PVI, Bảo Minh, BIC, ABIC, PTI, GIC, VBI, Bảo Long… vẫn tiếp tục nghiên cứu triển khai bảo hiểm nông nghiệp với tổng doanh thu đạt được trên 210 tỉ đồng.

Những khó khăn, thách thức và kết quả trong quá trình triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp cũng là những bài học quý giúp cho tất cả các cơ quan quản lý nhà nước, các ban ngành từ trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng như cá nhân, tổ chức tham gia bảo hiểm sẽ tiếp tục phối hợp và đưa ra nhiều giải pháp hiệu quả trong quá trình phát triển bảo hiểm nông nghiệp.

Về cơ hội cho bảo hiểm nông nghiệp, kinh tế Việt Nam trong những năm qua tiếp tục phát triển ấn tượng với GDP năm 2018 đạt 7,08%, cao nhất trong nhiều năm qua và được các chuyên gia dự báo tiếp tục phát triển ổn định trong những năm tới, trong đó sản xuất nông nghiệp cũng có những bước phát triển ấn tượng, đây là yếu tố thuận lợi để phát triển bảo hiểm nông nghiệp. Nghị định 58 /2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp là khung pháp lý quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển  bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam. Chúng ta tin tưởng các doanh nghiệp bảo hiểm-hội viên của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam sẽ tiếp tuc vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội của thị trường,  đồng hành cùng các Cơ quan quản lý nhà nước, các Bộ ngành và người dân để triển khai bảo hiểm nông nghiệp thành công theo chỉ đạo của Chính phủ.

Bùi Gia Anh – Tổng Thư ký HHBHVN