Hỗ trợ - Hotline +(84)43 9428 106

Chính sách về bảo hiểm sức khỏe đã gần gũi hơn với khách hàng

Các khách hàng tham gia bảo hiểm sức khỏe tại Ấn Độ sẽ có cơ hội tận hưởng một "cuộc sống khỏe". Nhóm làm việc về việc chuẩn hóa các điều khoản loại trừ trong hợp đồng bảo hiểm sức khỏe thuộc Cục Quản lý & Phát triển bảo hiểm Ấn Độ (Insurance Regulatory and Development Authority of India – IRDAI) đã đề xuất nhiều thay đổi quan trọng nhằm giúp cho hợp đồng bảo hiểm sức khỏe hoàn thiện, hiệu quả và gần gũi hơn với khách hàng.

Chính sách về bảo hiểm sức khỏe đã gần gũi hơn với khách hàng

Nhóm làm việc của IRDAI được thành lập vào tháng 7/2018 đã lập báo cáo và đề xuất một số thay đổi nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của những người tham gia bảo hiểm sức khỏe. Một số loại bệnh trước đây bị loại trừ nay đã được bảo hiểm, đồng thời, một số phương pháp điều trị mới và tiên tiến cũng được chấp nhận theo đề xuất của nhóm làm việc.

Toàn cảnh bảo hiểm sức khỏe Ấn Độ

Tổng doanh thu phí bảo hiểm sức khỏe của Ấn Độ (trừ bảo hiểm tai nạn con người và bảo hiểm du lịch) đã tăng từ 102 triệu USD giai đoạn 2001-2002 lên 5,12 tỷ USD giai đoạn 2017-2018. Thị trường này kỳ vọng mức tăng trưởng khoảng 24-25% trong khoảng 5-6 năm tới và dự kiến đạt 14 tỷ USD vào năm 2022.

Hiện nay, Ấn Độ có 24 công ty bảo hiểm nhân thọ, 34 công ty bảo hiểm phi nhân thọ, trong đó có 7 công ty chỉ kinh doanh bảo hiểm sức khỏe. Bảo hiểm sức khỏe chủ yếu được triển khai bởi các công ty bảo hiểm phi nhân thọ và công ty bảo hiểm sức khỏe trong khi đó các công ty bảo hiểm nhân thọ cung cấp các sản phẩm bảo hiểm dài hạn.

Các công ty chuyên bảo hiểm sức khỏe tại Ấn Độ đang đạt mức tăng trưởng 40%/năm chủ yếu dựa vào hoạt động bán lẻ sản phẩm bảo hiểm sức khỏe tuy nhiên mức tăng trưởng trong lĩnh vực bán lẻ này vẫn còn thấp.

Chuẩn hóa thời gian chờ

Nhóm làm việc đề xuất khoảng thời gian chờ tối đa đối với bất cứ loại bệnh nào là 4 năm. Tuy nhiên, thời gian chờ đối với các bệnh và tình trạng do lối sống như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh tim và béo phì không thể quá 30 ngày.

Tất cả các tình trạng sức khỏe xuất hiện sau khi đơn bảo hiểm đã được chấp nhận, trừ những trường hợp thuộc điều khoản loại trừ (như vô sinh và có thai) phải được bảo hiểm và không thể bị loại trừ vĩnh viễn.

Theo đề xuất của nhóm, các loại bệnh như Alzheimer, Parkinson và AIDs/HIVmắc phải sau khi đã được chấp thuận bảo hiểm không nên bị loại trừ. Nhóm cũng đề xuất trong điều khoản hợp đồng không nên loại trừ vĩnh viễn đối với bất cứ loại bệnh nào bất kể căn bệnh đó có bản chất là suy biến, sinh lý hoặc mãn tính.

Chỉ có 17 loại trừ được định nghĩa trước

Hiện nay chỉ nên có 17 trường hợp loại trừ được định sẵn đối với các hợp đồng bảo hiểm sức khỏe. Ngoài 17 trường hợp này, nhà bảo hiểm cần phải khai thác tất cả các trường hợp loại trừ khác. Những trường hợp loại trừ được định sẵn phải phù hợp với phân loại bệnh chuẩn quốc tế của tổ chức WHO và phải được công khai cho người mua bảo hiểm được biết và được giải thích rõ ràng, cụ thể những trường hợp đó là gì, những gì được phép loại trừ và những gì không được phép loại trừ.

Nhóm làm việc cũng đề xuất 17 trường hợp loại trừ được định sẵn nêu trên có thể được loại trừ vĩnh viễn, trong đó có bao gồm chứng động kinh, đột quỵ, bệnh gan mãn tính, bệnh thận mãn tính và viêm gan B. Trong danh sách cũng bao gồm bệnh Alzheimer's và Parkinson's sẽ bị loại trừ nếu đây là tình trạng có sẵn.

Nếu các tình trạng không được khai báo không nằm trong danh sách này, nhà bảo hiểm có thể tăng thêm thời gian chờ tối đa không quá 4 năm kể từ ngày được phát hiện ra. Tuy nhiên, đề xuất này cũng cho phép các điều khoản được xem xét lại trên cơ sở hàng năm.

Không được từ chối yêu cầu trả tiền bảo hiểm sau khi hợp đồng đã có hiệu lực 8 năm

Nhóm làm việc đề xuất rằng sau khi hợp đồng đã có hiệu lực liên tục 8 năm, doanh nghiệp không được chất vấn đối với các yêu cầu trả tiền bảo hiểm do việc không khai báo thông tin hoặc nhầm lẫn thông tin tại thời điểm chấp nhận bảo hiểm.

Điều này nhằm đảm bảo hợp đồng của khách hàng sẽ được miễn truy xét trừ trường hợp có bằng chứng về việc trục lợi bảo hiểm, từ đó, mang lại sự yên tâm cho khách hàng bởi thường xuyên có nhiều trường hợp các yêu cầu trả tiền bảo hiểm sức khỏe bị từ chối mặc dù khách hàng đã tham gia và đóng phí bảo hiểm cả chục năm.

Bảo hiểm cho các sự kiện bảo hiểm xảy ra do ảnh hưởng của rượu

Nhóm làm việc đề nghị cần xem xét lại và chuẩn hóa các điều khoản loại trừ liên quan đến rượu và chất gây nghiện khi các doanh nghiệp đề nghị phê chuẩn. Điều này có thể mở ra cơ hội rất lớn cho những trường hợp nghiện rượu và các sự kiện có liên quan.

Các chi phí liên quan đến việc cai nghiện hoặc việc lạm dụng thuốc sẽ không được bảo hiểm, tuy nhiên, các căn bệnh có gây ra do việc nghiện rượu thì nay có thể được bảo hiểm.

Cần có sự minh bạch và xóa bỏ những từ ngữ tối nghĩa

Để đảm bảo các điều khoản loại trừ được rõ ràng và minh bạch tránh tình trạng có những cách hiểu khác nhau mang tính chủ quan tại thời điểm giải quyết quyền lợi bảo hiểm, nhóm làm việc đã đề xuất những từ hoặc cụm từ mang tính mở như "liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến", "ví dụ", "vân vân" không được đưa vào điều khoản loại trừ. Những thuật ngữ như vậy cũng không được chấp nhận trọng khoảng thời gian chờ.

Thành lập Ủy ban đánh giá các công nghệ về sức khỏe (Health Technology Assessment Committee – HTAC)

Để tránh sự mập mờ liên quan đến việc loại trừ các công nghệ tiên tiến cũng như các phương pháp điều trị hoặc các loại thuốc mới được giới thiệu tại thị trường Ấn Độ khi chi trả quyền lợi bảo hiểm, cần thiết phải có sự đánh giá những tiến bộ trong ngành một cách liên tục.

Nhóm làm việc cho biết "các tiến bộ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe rất nhanh chóng và cần phải được theo dõi sát sao trước khi đưa ra một quyết định cụ thể. Bởi vậy, nhằm đảm bảo cho người tham gia bảo hiểm không bị từ chối chi trả cho các quy trình điều trị này theo hợp đồng bảo hiểm sức khỏe và nhằm để các nhà bảo hiểm nhận thức được tác động của các quy trình này đối với quá trình định phí bảo hiểm, nhóm đã đề xuất thành lập HTAC bao gồm các chuyên gia, bác sỹ y khoa, đại diện các công ty bảo hiểm và các công ty quản lý bên thứ 3."

HTAC sẽ công nhận những tiến bộ về công nghệ cũng như những phương pháp điều trị hoặc những loại thuốc mới được giới thiệu tại Ấn Độ được chi trả theo hợp đồng bảo hiểm sức khỏe.

Nhóm làm việc cũng cho biết những phương pháp điều trị mới như ống thông bong bóng (trị viêm xoang), phẫu thuật kích thích não sâu, hóa trị ung thư họng, liệu pháp miễn dịch ung thư, phẫu thuật bằng robot và liệu pháp tế bào gốc trong một số trường hợp cụ thể chỉ có thể được bảo hiểm trong đơn bảo hiểm sức khỏe.

Trong trường hợp chuyển đổi sang một hợp đồng bảo hiểm khác vì lý do hủy bỏ sản phẩm, chủ hợp đồng bảo hiểm sẽ được cộng dồn khoảng thời gian chờ đối với bệnh có sẵn đã đạt được tới một mức nhất định được chấp nhận theo sản phẩm cũ hoặc sản phẩm mới, tùy theo sản phẩm nào có quy định ngắn hơn.

Công khai diễn giải các quyền lợi bảo hiểm

Nhóm làm việc đã đề xuất các công ty bảo hiểm cần phải tích hợp "diễn giải về các quyền lợi bảo hiểm" trong tài liệu minh họa bán hàng và bộ hợp đồng để khách hàng có thể hiểu rõ.

Nhằm minh bạch hóa cấu trúc định phí bảo hiểm, bất cứ công ty bảo hiểm nào cũng phải công khai danh sách các hạng mục sẽ không được thanh toán riêng và công khai cho người được bảo hiểm được biết ngay tại hợp đồng bảo hiểm hoặc tại một đường dẫn trên trang điện tử của công ty.

Nhóm làm việc sẽ tiếp tục làm rõ các đề xuất thay đổi sau khi được các nhà quản lý chấp thuận và sớm ban hành các văn bản hướng dẫn.

 Hoa Hiên biên dịch (Theo Asia Insurance Review số tháng 12/2018)