Hỗ trợ - Hotline +(84)43 9428 106

Mức phí bảo hiểm tăng 20 lần: Căng thẳng Mỹ-Iran gây nguy hiểm cho các chuyến hàng vận chuyển nhôm và hóa chất

Căng thẳng giữa Iran và Hoa Kỳ ở eo biển Hormuz đang đe dọa vượt ra khỏi các lĩnh vực về năng lượng và lan sang cả thị trường vật liệu như nhôm và hóa chất, với một ảnh hưởng rộng lớn đối với các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào khu vực này.

Mức phí bảo hiểm tăng 20 lần: Căng thẳng Mỹ-Iran gây nguy hiểm cho các chuyến hàng vận chuyển nhôm và hóa chất

Đó là bởi vì các nước Trung Đông đã và đang giảm dần sự phụ thuộc vào dầu mỏ, trong khi phải đối mặt với sự phát triển của ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến ở Mỹ và giá dầu thô đang sụt giảm.

Để đánh giá hậu quả của tình hình khủng hoảng về mặt ngoại giao đang ngày càng tồi tệ, Nikkei đã tính toán tỷ lệ xuất khẩu nguyên vật liệu toàn cầu từ bảy quốc gia ở gần eo biển Hormuz, dựa trên dữ liệu do Trung tâm thương mại quốc tế cung cấp.

Thị phần về nguyên vật liệu hóa dầu của khu vực này đã tăng tới 30% tổng giá trị xuất khẩu toàn cầu, và thị phần của nhôm hiện ở mức 16%. Đặc biệt có nhiều công ty Nhật Bản đã trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào các nguyên liệu do Trung Đông sản xuất, và một loạt các ngành công nghiệp phi năng lượng có thể bị ảnh hưởng bất lợi, nếu sự đối kháng giữa Hoa Kỳ và Iran ngày càng trở nên ác liệt.

Căng thẳng đang diễn ra ở eo biển Hormuz, tuyến giao thông vận tải biển quan trọng nằm ở cửa Vịnh Ba Tư, đang tạo ra một ảnh ưởng tiêu cực tới chuỗi cung ứng của một loạt các sản phẩm. Ảnh: Nikkei.

Một số quốc gia ở Trung Đông, đặc biệt là vùng Vịnh Ba Tư, là các nhà sản xuất lớn về nguyên vật liệu hóa dầu được sử dụng trong quá trình chế tạo các hạt nhựa, như ether và ethylene, cũng như amoniac, là nguyên liệu thô cho các sản phẩm phân bón hóa học. Sản phẩm được sản xuất trong khu vực chiếm tới 20-30% xuất khẩu toàn cầu trong năm 2018, với thị phần đã tăng từ hai lần đến năm lần trong 10 năm qua. Tỷ trọng xuất khẩu kim loại màu của Trung Đông, bao gồm dây đồng và thỏi nhôm, đã tăng từ gần như 0 trong năm 2008 lên khoảng 15% vào năm ngoái.

Sự dịch chuyển ra khỏi mảng sản xuất dầu thô đã được tập trung vào các nguyên vật liệu có giá trị gia tăng cao hơn, chẳng hạn như hóa chất và kim loại màu.

Các nước Trung Đông đã được hưởng lợi từ nguồn điện giá rẻ, được tạo ra bởi nguồn năng lượng dồi dào, và đã đưa vào sử dụng các thiết bị và phương tiện tiên tiến thông qua các chương trình đầu tư tích cực. Họ hiện đang sản xuất các sản phẩm chất lượng cao với giá thấp và đã mở rộng thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á và Bắc và Nam Mỹ. Do đó, tỷ lệ mà ngành dầu mỏ đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội đã giảm xuống còn khoảng 40% ở Ả Rập Saudi và khoảng 30% ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

 Các quốc gia gần eo biển Hormuz đang đóng một vai trò kinh tế ngày càng quan trọng đối với châu Á. Nhập khẩu ethylene của Trung Quốc từ các quốc gia thuộc vùng ven của eo biển Hormuz đã lên tới 9.4 tỷ đô la Mỹ trong năm 2018, tăng 6.6 lần so với năm 2008. Phần lớn sự gia tăng là do nhập khẩu từ Ả Rập Saudi, Iran và UAE. Tỷ lệ nhập khẩu ethylene của Trung Quốc đến từ các quốc gia quanh Eo biển Hormuz đã tăng từ 18.4% năm 2008 lên 45.7% vào năm 2018.

Các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cũng phụ thuộc rất nhiều vào ethylene từ Trung Đông. Đối với Singapore, Ả Rập Saudi chiếm tới 75% giá trị nhập khẩu ethylene của họ trong năm 2018. Hơn một nửa giá trị nhập khẩu ethylene của Malaysia cũng đến từ Trung Đông. Đối với amoniac, năm quốc gia gần eo biển Hormuz nằm trong số 10 nhà cung cấp lớn nhất cho Ấn Độ, chiếm 70-80% tổng lượng nhập khẩu amoniac. Đối với các vật liệu khác, bao gồm ether và dây đồng, các nước châu Á là một trong những khách hàng lớn nhất ở Trung Đông.

Căng thẳng đang diễn ra ở eo biển Hormuz, tuyến giao thông vận tải biển quan trọng nằm ở cửa Vịnh Ba Tư, đang tạo ra một ảnh ưởng tiêu cực tới chuỗi cung ứng của một loạt các sản phẩm.

Cuộc khủng hoảng hiện tại bắt đầu với các cuộc tấn công hai tàu chở dầu vào tháng Sáu. Một chiếc tàu thuộc sở hữu của một công ty Nhật Bản và đang vận chuyển methanol, được sản xuất tại địa phương bởi một liên doanh của Mitsubishi Gas Chemical và một công ty của Saudi. Mitsubishi Chemical Holdings và Sumitomo Chemical cũng đã đầu tư vào nhà máy và thiết bị ở Trung Đông trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, vật liệu thỏi nhôm, là sản phẩm đòi hỏi một lượng điện lớn để sản xuất, mới chính là lĩnh vực mà Nhật Bản ngày càng phụ thuộc vào Trung Đông. Theo thống kê thương mại của Nhật Bản, tỷ lệ thỏi nhôm, bao gồm cả hợp kim, được nhập khẩu từ khu vực này đã tăng gấp ba lần trong một thập kỷ, lên khoảng 17% vào năm 2018.

“Thị phần của thỏi nhôm từ Trung Đông giữ ở mức ổn định, do có các cơ sở sản xuất mới ở đó,” theo một giám đốc tại một công ty cán kim loại của Nhật Bản cho biết. Nhôm của Trung Đông đang trở nên quan trọng hơn ở Nhật Bản vì là một vật liệu để sử dụng trong xe hơi và các tòa nhà.

Tình hình thay đổi ở Trung Đông đang buộc các nhà sản xuất Nhật Bản phải có các động thái đối phó. Một nhà sản xuất lớn các sản phẩm nhôm cán phẳng phụ thuộc vào Trung Đông để cung cấp tới 30% lượng kim loại này hiện đang “tìm kiếm các nhà cung cấp khác để đảm bảo nguồn cung ổn định,” theo một quan chức cho biết. Rất khó để tìm nhà cung cấp thay thế các sản phẩm chất lượng và phải mất khoảng một năm để xác nhận chất lượng của kim loại, vị quan chức này nói thêm.

Trong khi đó, chi phí vận tải biển đã tăng lên. Mức phí bảo hiểm cho các con tàu đã tăng lên khoảng 20 lần so với trước khi chiếc tàu chở dầu bị tấn công vào tháng Sáu. Các công ty vận chuyển lớn của Nhật Bản, như Nippon Yusen và Mitsui O.S.K. Lines, đang có kế hoạch yêu cầu chủ hàng phải chịu gánh nặng của việc tăng phí bảo hiểm này.

Khi các nước Trung Đông tăng cường sự hiện diện của họ trong các lĩnh vực ngoài tài nguyên năng lượng, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Hormuz có thể lan rộng không chỉ đến các ngành công nghiệp vật liệu, mà cả đến các nhà sản xuất sử dụng nhôm và hóa chất – và từ đó ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ và Iran có thể tổ chức các cuộc đàm phán ở New York bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, khai mạc vào hôm thứ Ba và diễn ra cho đến cuối tháng, nhưng tình hình xung đột sẽ vẫn còn nhiều biến động.

(Theo Nikkei Asian Review)