HIỆP HỘI BẢO HIỂM VIỆT NAM
Ngôi Nhà Chung Của Các Doanh Nghiệp, Tổ Chức Bảo Hiểm Hoạt Động Tại Việt Nam
1. Tại khoản d, Điều 6, Nghị định 122/2011/NĐ-CP ngày 27/12/2011 sửa đổi Nghị định 124/2008/NĐ-CP quy định: “chi phí mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động (nhân viên) sẽ được khấu trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp nếu được ghi cụ thể điều kiện được hưởng tại một trong các hồ sơ theo quy định”. Như vậy, chủ sử dụng lao động mua bảo hiểm cho người lao động nếu điều này có quy định trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động thì sẽ được tính vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh không chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này đem lại lợi ích cho người lao động được hưởng thêm quyền lợi cả về vật chất (số tiền bảo hiểm) và tinh thần (thể hiện sự ưu ái quan tâm của chủ sử dụng lao động) phù hợp với Bộ Luật lao động khuyến khích người lao động đem lại nhiều quyền lợi hơn cho người sử dụng lao động. Đồng thời, việc mua bảo hiểm nói trên cũng đem lại quyền lợi cho người sử dụng lao động, chủ doanh nghiệp giữ được người lao động làm việc lâu dài 5 năm, 10 năm hoặc đến hết tuổi lao động, tránh được tình trạng “nhảy việc”, đỡ chi phí tuyển dụng, đào tạo hoặc lôi kéo nguồn nhân lực từ doanh nghiệp khác về với hứa hẹn tăng lương, thăng tiến tạo ra nguồn nhân lực khan hiếm giả tạo khi họ tiếp tục “nhảy việc”. Đây cũng có thể là coi là khoản thưởng cho người lao động tương đương với thời gian và mức độ cống hiến của họ cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động.
Người sử
dụng lao động có thể mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động theo 02 loại bảo
hiểm sau:
- Bảo hiểm có
thời hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm với số tiền bảo hiểm nhất định 100 triệu
đồng, 200 triệu đồng, 300 triệu đồng, ... 1.000 triệu đồng với bảo hiểm tử kỳ
(nhận tiền bảo hiểm khi bị chết trong thời hạn hợp đồng) hoặc bảo hiểm hỗn hợp
(cả bị chết và đáo hạn hợp đồng đều nhận tiền bảo hiểm). Có sản phẩm bảo hiểm
trả khi đáo hạn hợp đồng bằng nhiều kỳ (hàng tháng, quý, năm) trong nhiều năm
(hoặc tháng) sau khi đáo hạn hợp đồng.
- Bảo hiểm
hưu trí tự nguyện (ngoài chế độ hưu trí của bảo hiểm xã hội) được chi trả hàng
tháng hoặc hàng quý sau khi người lao động đến tuổi về hưu với số tiền chi trả
theo một mức nhất định bình quân một tháng.
Tất nhiên,
trong các hợp đồng bảo hiểm nói trên, chắc chắn người sử dụng lao động đều quy
định nếu người lao động tự kết thúc hợp đồng lao động trong thời hạn hợp đồng
bảo hiểm thì không được hưởng quyền lợi bảo hiểm mà chủ sử dụng lao động có
quyền chuyển nhượng quyền lợi bảo hiểm này cho người lao động khác (được tuyển
dụng thay thế) hoặc hoàn trả cho doanh nghiệp (người sử dụng lao động) theo giá
trị hoàn lại. Theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, 2 năm đầu sau khi ký
hợp đồng bảo hiểm giá trị hoàn lại bằng 0, những năm tiếp theo thường giá trị
hoàn lại nhỏ hơn phí bảo hiểm đã đóng nếu không chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm
cho người khác.
2. Tại Thông tư 84/2008/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 30/9/2008 quy định “tiền mua bảo hiểm đối với các loại bảo hiểm mà pháp luật không quy định, trách nhiệm bắt buộc người sử dụng lao động phải mua cho người lao động được tính là thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động chịu thuế thu nhập cá nhân”. Như vậy, từ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho người sử dụng lao động nay lại chuyển sang thuế mà người lao động phải chịu (thuế thu nhập cá nhân). Nghị định 122/2011/NĐ-CP hướng dẫn thuế thu nhập doanh nghiệp nên không thể phủ quyết được Thông tư 84 hướng dẫn thuế thu nhập cá nhân. Đây là sự xung đột pháp lý giữa 02 văn bản pháp quy. Nếu phải đóng thuế thu nhập cá nhân thì người lao động chắc chắn sẽ từ chối bảo hiểm nhân thọ do người sử dụng lao động mua cho người lao động vì nếu thực hiện hợp đồng lao động vô hình chung người lao động đã coi như là bắt buộc phải cam kết làm việc cho người sử dụng lao động đến hết thời hạn của hợp đồng bảo hiểm. Về tâm lý, không ai muốn trói buộc mình điều kiện này để khi có cơ hội tốt hơn có thể nhảy việc. Hơn nữa, về mục đích mua bảo hiểm cho người lao động, người sử dụng lao động coi đây như là khoản thưởng cho người lao động khi làm việc cho doanh nghiệp không bỏ việc giữa chừng trong suốt thời hạn bảo hiểm. Người lao động sẽ không nhận được quyền lợi bảo hiểm khi họ bỏ việc trong thời hạn bảo hiểm thì chắc chắn sẽ không chịu đóng thuế thu nhập cá nhân theo quy định của Thông tư 84.
3. Đề xuất kiến nghị: Vì những vướng mắc trên nên cơ chế chính sách thuế tốt đẹp mà Đảng và Nhà nước ưu ái cho người lao động khi người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động chưa triển khai thực hiện được. Để giải quyết vướng mắc trên Hiệp hội Bảo hiểm đề nghị Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn riêng với nội dung người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động với những nội dung sau:
- Khi người
lao động thôi không làm việc tại doanh nghiệp thì người sử dụng lao động có
quyền chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm cho người lao động khác vào vị trí thay
thế người sử dụng lao động thôi việc trong thời hạn hợp đồng bảo hiểm của họ
hoặc người sử dụng lao động có thể thu hồi giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo
hiểm của người lao động đã thôi việc trong thời hạn hợp đồng bảo hiểm và được
hạch toán vào thu nhập bất thường của doanh nghiệp.
- Không thu
thuế thu nhập cá nhân đối với người lao động bị chết được hưởng quyền lợi bảo
hiểm từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân
thọ cho họ.
- Đối với hợp
đồng bảo hiểm nhân thọ do người sử dụng lao động mua cho người lao động, trả
quyền lợi bảo hiểm cho người lao động khi đáo hạn hợp đồng bằng nhiều kỳ (hợp
đồng bảo hiểm hỗn hợp, hợp đồng bảo hiểm hưu trí) thì thuế thu nhập cá nhân
được thu theo thu nhập từ bảo hiểm nhân thọ cộng (+) với các thu nhập khác của
người lao động trừ (-) đi mức miễn thuế thu nhập.
- Đối với hợp
đồng bảo hiểm nhân thọ trả tiền một lần cho người lao động khi đáo hạn hợp đồng
do người sử dụng lao động mua cho người lao động thì mức thuế thu nhập cá nhân
được tính bằng thu nhập bất thường (thuế suất 10%).
Nguồn: Hiệp hội Bảo hiểm VN