HIỆP HỘI BẢO HIỂM VIỆT NAM
Ngôi Nhà Chung Của Các Doanh Nghiệp, Tổ Chức Bảo Hiểm Hoạt Động Tại Việt Nam
Việc triển khai mô hình này nhắm góp phần thực hiện tốt đề án “Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng” theo Quyết định số 1437/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Hướng đến sứ mệnh giúp đỡ con người sống trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương, với 2 chương trình chính tại 26 quốc gia, đồng hành cùng 85 đối tác, đến nay The Human Safety Net đã giúp đỡ được hơn 850.000 phụ huynh, trẻ em và người tị nạn trên toàn cầu.
Là thành viên của The Human Safety Net toàn cầu, The Human Safety Việt Nam tự hào đã có những đóng góp thiết thực vào những con số tích cực này. Hợp tác cùng những đối tác tâm huyết, các dự án cộng đồng của The Human Safety Việt Nam tập trung vào lĩnh vực quan trọng là Phát triển trẻ thơ toàn diện.
Vừa qua, với sự đồng hành của
The Human Safety Net Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng
đồng (RTCCD), phối hợp với Cục Bà mẹ và Trẻ em - Bộ Y tế và Trường Đại học
Monash (Úc) tổ chức Hội thảo “Từ nghiên cứu đến chính sách và can thiệp dựa
trên bằng chứng: Tăng cường hệ thống y tế cho sự phát triển trẻ thơ toàn diện”.
Phát triển trẻ thơ toàn diện đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo trẻ em có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình trong tương lai. Tuy nhiên, những kết quả từ Điều tra MICS 2021 (GSO/UNICEF) đã cho thấy vẫn còn sự chênh lệch đáng kể giữa các nhóm trẻ em tại Việt Nam. Chỉ có 16,3% trẻ em 0–5 tuổi ở khu vực vùng sâu vùng xa có từ ba cuốn truyện trẻ em tại nhà, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình toàn quốc là 26,5%. Tỷ lên này ở nhóm trẻ em dân tộc Hmông (1,4%) và Khmer (3,9%) còn thấp hơn rất nhiều. Về chỉ số phát triển toàn diện trẻ thơ (ECDI2030), trung bình 78,2% trẻ em từ 2–5 tuổi tại Việt Nam đạt ngưỡng phát triển theo chuẩn quốc tế, nhưng tỷ lệ này chỉ còn 69,1% ở trẻ em miền núi và chỉ đạt 45,9% ở trẻ người Hmông.
Những con số này phản ánh rõ thực trạng bất bình đẳng trong tiếp cận các điều kiện phát triển sớm giữa các vùng miền và nhóm dân cư. Từ năm 2018, Chính phủ đã thể hiện cam kết mạnh mẽ thông qua việc ban hành Đề án (1437/2018/QĐ-TTg), “Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng” với mục tiêu đảm bảo mọi trẻ em dưới 8 tuổi được tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ hỗ trợ phát triển phù hợp theo độ tuổi.
Để góp phần thực hiện Đề án, Trung tâm RTCCD, phối hợp với Cục Bà mẹ Trẻ em (Bộ Y tế) và Đại học Monash (Úc), và với sự hỗ trợ tài chính của The Human Safety Net thông qua đại học Monash, triển khai mở rộng mô hình Hành Trình Đầu Đời (chương trình đào tạo kỹ năng làm cha mẹ tích cực) lồng ghép vào hoạt động tiêm chủng mở rộng.
Mục tiêu dự án nhằm trang bị cho người chăm sóc trẻ (cha mẹ, ông bà) kỹ năng chăm sóc trẻ đúng cách, tăng cường tương tác sớm với trẻ để phát hiện sớm các bất thường và thúc đẩy sự phát huy tối đa tiềm năng của trẻ thông qua 12 buổi thực hành tại trạm y tế xã phường và chương trình học trực tuyến miễn phí. Nội dung 12 buổi thực hành bao gồm chăm sóc y tế và dinh dưỡng khi mang thai, thai giáo, chăm sóc sơ sinh sớm, thiết yếu, nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung đúng cách, kích thích phát triển sớm ở trẻ theo độ tuổi, sơ cấp cứu, giao tiếp tích cực với trẻ và chuẩn bị cho trẻ đến trường.
Dự án xây dựng thí điểm mô hình bằng 6 ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số (Hmong, Khmer, Dao, Nùng, Ragley và S’tiêng) và mô hình tiếng Việt cho các tỉnh thành phố, đồng bằng và sẽ được triển khai tại 5 tỉnh/ thành phố bao gồm Hà Giang, Sóc Trăng, Quảng Ninh, Bình Thuận và thành phố Cần Thơ trong giai đoạn 2025 – 2027. Dự án đã được phê duyệt tiếp nhận viện trợ theo Quyết định số 55/QĐ-LHHVN ngày 20/01/2025 của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Hội thảo lần này là dịp để giới
thiệu mô hình dự án, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và thảo luận về khả năng lồng
ghép mô hình này vào các hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em của hệ thống
y tế công lập và tư nhân, đặc biệt là hoạt động Tiêm chủng Mở rộng, nhằm tận dụng
cơ hội tiếp cận phổ cập với trẻ nhỏ và cha mẹ ngay từ giai đoạn sớm.
Hội thảo đón tiếp hơn 100 đại biểu, bao gồm khách mời quốc tế đến từ Úc, Mỹ, châu Âu, đại diện các cơ quan Liên hợp quốc và Đại sứ quán tại Việt Nam và đại diện các Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh/thành phố, các tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước.
Thông qua hội thảo, Ban tổ chức kỳ vọng tăng cường sự phối hợp để thúc đẩy triển khai chương trình đào tạo kỹ năng làm cha mẹ tích cực được lồng ghép bền vững vào các hoạt động thường quy của ngành y tế, làm nền tảng để mở rộng mô hình ra toàn bộ các tỉnh/thành trong giai đoạn tiếp theo. Toàn bộ báo cáo và kết quả thảo luận sẽ được đăng tải bằng tiếng Việt và tiếng Anh trên trang thông tin của RTCCD và các đối tác./.