HIỆP HỘI BẢO HIỂM VIỆT NAM
Ngôi Nhà Chung Của Các Doanh Nghiệp, Tổ Chức Bảo Hiểm Hoạt Động Tại Việt Nam
Để giúp khai thác tốt hơn
các sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới nói riêng, thị trường phi nhận thọ nói chung,
không thể trì hoãn lâu hơn việc xây dựng hệ thống này.
Số liệu ước tính của các
doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho thấy, tính đến hết năm 2018, doanh thu
phí bảo hiểm xe cơ giới đạt khoảng 14.117 tỷ đồng chiếm tỷ trọng gần 31% trong
tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường phi nhân thọ, tăng trưởng 7% so với
năm 2017 và có tỷ lệ bồi thường vào khoảng 56%. Mảng nghiệp vụ quan trọng này
được nhìn nhận sẽ tiếp tục tăng trưởng và là "con át chủ bài" về
doanh thu cho hầu hết các công ty bảo hiểm phi nhân thọ.
Tiềm năng của phân khúc nghiệp
vụ bảo hiểm xe cơ giới còn được thể hiện thông qua sức mua ngày một tăng của thị
trường ô tô trong nước. Theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt
Nam (VAMA), tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng
1/2019 tăng 27% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó doanh số bán hàng của xe lắp
ráp trong nước giảm 10%, xe nhập khẩu tăng 166%".
Mặc dù được đánh giá giàu tiềm
năng khai thác, nhưng tỷ lệ bồi thường và chi phí hoạt động vẫn là nỗi lo của
các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khi phát triển nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ
giới.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng
khoán, đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ nói rằng, để khai thác tốt
hơn sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới, điều quan trọng nhất là các công ty bảo hiểm
phải chia sẻ dữ liệu khách hàng.
"Hiện tại, vẫn chưa có
thông tin chính xác, đầy đủ về khách hàng mua bảo hiểm xe cơ giới, cũng như lịch
sử bồi thường của khách hàng. Để có thể xây dựng được một hệ thống chung về bảo
hiểm xe cơ giới, việc cần làm đầu tiên là phải tập hợp được các dữ liệu
này", vị đại diện trên nói.
Thực tế, sự cấp thiết của việc
xây dựng dữ liệu khách hàng cho thị trường bảo hiểm xe cơ giới đã được mang ra
bàn thảo nhiều. Trong cuộc họp của các Tổng giám đốc (CEO) bảo hiểm tại Quy
Nhơn mới đây, vấn đề này một lần nữa được xới lên. Tuy nhiên, để biến hành động
thành kết quả thì cần sự chung tay của tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm cũng
như cơ quan quản lý.
Được biết, mới đây, một hãng
bảo hiểm Hàn Quốc đang có cổ phần tại một doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đã mời
Viện nghiên cứu Bảo hiểm của Hàn quốc sang Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm về
việc xây dựng và chia sẻ tập dữ liệu khách hàng, cũng như các giải pháp đối với
khách hàng có lịch sử bồi thường không tốt.
“Trong khai thác cũng như
phát triển sản phẩm bảo hiểm, xây dựng tệp dữ liệu khách hàng là yếu tố vô cùng
quan trọng và không phải doanh nghiệp không nhận ra điều này, vấn đề nằm ở chỗ
doanh nghiệp nào sẽ chịu chia sẻ dữ liệu khách hàng - vốn là 'cần câu cơm' của mình", lãnh đạo
cấp cao của một doanh nghiệp bảo hiểm thẳng thắn.
Theo ông Kim Kang Wook, Phó
chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI), để thị
trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam phát triển đồng đều cả về số lượng và chất
lượng, cần phải loại bỏ những động thái cạnh tranh không lành mạnh.
“Thị trường bảo hiểm phi
nhân thọ Việt Nam đang tồn tại 2 vấn đề: Tỷ lệ bồi thường và chi phí quản lý
còn khá cao. Để thị trường phát triển ổn định, vững vàng thì phải xử lý được 2
vấn đề này và chia sẻ dữ liệu khách hàng là một trong những biện pháp hữu hiệu,
giúp các doanh nghiệp có thể tiết giảm các loại chi phí, cũng như tỷ lệ bồi thường
tổn thất”, ông Kim Kang Wook nhấn mạnh.
Theo Đầu Tư Chứng Khoán