Hỗ trợ - Hotline +(84)43 9428 106

Tổng quan thị trường Bảo hiểm Việt Nam cả năm 2013

1.         Tổng quát chung

            Nền kinh tế xã hội năm 2013 tiếp tục gặp nhiều khó khăn thách thức: hàng tồn kho ở mức cao, tín dụng gặp phải nút thắt nên tăng trưởng chậm và nền kinh tế chưa hấp thu nhiều vốn tín dụng, Chính phủ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ đầu tư công và chi tiêu công, lòng tin của người tiêu dùng và đầu tư vào sản xuất kinh doanh chưa cao. Nhiều doanh nghiệp cố gắng cầm cự trong năm 2012 sang năm 2013 đã tỏ ra uể oải mệt mỏi dẫn đến tình trạng hoạt động cầm chừng hoặc ngưng trệ. Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động hàng tháng lên tới hàng nghìn doanh nghiệp, số mới thành lập tuy có nhiều hơn nhưng quy mô tài sản, vốn, năng lực sản xuất kinh doanh còn thấp.

            Tình hình trên ảnh hưởng đến nhu cầu bảo hiểm phi nhân thọ cho những tài sản tăng thêm do xây dựng mới, mở rộng sản xuất kinh doanh giảm sút đáng kể. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu bảo hiểm nhưng không đủ năng lực tài chính đóng phí bảo hiểm và không vay được ngân hàng thanh toán phí bảo hiểm. Giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng: lương thực, thực phẩm, điện nước, xăng dầu, viện phí, học phí ảnh hưởng lớn đến người thu nhập trung bình không đủ khả năng tích lũy tiết kiệm tham gia bảo hiểm nhân thọ hoặc ngừng hợp đồng bảo hiểm trước hạn.

            Thị trường bảo hiểm có 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (trong đó có 16 doanh nghiệp Việt Nam); 16 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (trong đó có 1 doanh nghiệp Việt Nam, 2 doanh nghiệp mới thành lập là PVI Sunlife và Phú Hưng Life); 12 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; trên 700 chi nhánh (cấp tỉnh) và trên 2.000 văn phòng giao dịch bảo hiểm phi nhân thọ (cấp quận, huyện); trên 400 tổng đại lý và 500 văn phòng giao dịch bảo hiểm nhân thọ; trên 220.000 đại lý nhân thọ, 60.000 đại lý phi nhân thọ; 17.000 cán bộ nhân viên bảo hiểm phi nhân thọ, 10.000 cán bộ nhân viên bảo hiểm nhân thọ.

            Tổng doanh thu bảo hiểm ước đạt 47.010 tỷ đồng, tăng trưởng 14% trong đó nhân thọ ước đạt 22.650 tỷ đồng tăng trưởng 23%, phi nhân thọ 24.360 tỷ đồng tăng trưởng 7%. Đầu tư vào nền kinh tế quốc dân 105.340 tỷ đồng tăng trưởng 17,6%.

            Các văn bản pháp quy mới ban hành có hiệu lực đã tác động tăng trưởng đến thị trường bảo hiểm. Nâng mức khấu trừ gia cảnh (9 triệu đồng/người có thu nhập, 4,8 triệu đồng/người phải nuôi dưỡng) có hiệu lực từ 01/7, phí bảo hiểm nhân thọ do người sử dụng lao động mua cho người lao động không tính vào thuế TNDN và thuế TNCN (người được bảo hiểm nộp thuế khi được trả tiền bảo hiểm), bảo hiểm hưu trí tự nguyện có hiệu lực 15/10 đã khuyến khích 2 doanh nghiệp bảo hiểm triển khai đầu tiên trên thị trường là Manulife, Dai-ichi. Các chính sách khác về thành lập Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm (Thông tư 111/2013/TT-BTC), bán bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng và các tổ chức tín dụng (dự thảo thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính – Ngân hàng Nhà nước), chế độ hạch toán kế toán trong doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chuẩn bị được ban hành tác động đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm và nâng cao chế độ quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

            Chính phủ có Quyết định công nhận ngày 18/12 (ngày ban hành Nghị định 100/1993) là ngày thị trường bảo hiểm Việt Nam và Bộ Tài chính cùng Hiệp hội tổ chức trang trọng 20 năm thị trường bảo hiểm Việt Nam. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã tổ chức thành công đăng cai Hội nghị các Hiệp hội bảo hiểm Đông Nam Á, Hội nghị xe cơ giới quá cảnh, Hội nghị thảm họa thiên tai, Hội nghị đào tạo bảo hiểm ASEAN làm tăng thêm uy tín thị trường bảo hiểm Việt Nam với khu vực và quốc tế.

2.         Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ

            Năm 2013 đạt tăng trưởng thấp nhất từ 1993 đến nay, doanh thu ước đạt 24.360 tỷ đông tăng trưởng 7%. Quý I tăng trưởng -5%, 6 tháng tăng trưởng 2,5%, 9 tháng tăng trưởng 6,5% cho thấy biểu đồ vượt khó khăn thách thức đi lên của doanh nghiệp bảo hiểm đồng thời nền kinh tế xã hội đã có những chuyển động tích cực.

            Bảo hiểm xe cơ giới dẫn đầu với doanh thu 6.821,5 tỷ đồng tăng trưởng 7,7%, số tiền bồi thường 3.210 tỷ đồng chiếm 47% (chưa kể tổn thất đã xảy ra chưa giải quyết).

            Bảo hiểm tài sản đạt 5.356 tỷ đồng tăng trưởng 11%, số tiền bồi thường 1.428 tỷ đồng chiếm 26% (chưa kể tổn thất xảy ra đang giải quyết).

            Bảo hiểm sức khỏe y tế đạt 5.067 tỷ đồng tăng trưởng 26%, số tiền bồi thường 2.139 tỷ đồng chiếm 42% (chưa kể hồ sơ đang giải quyết).

            Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đạt 2.158 tỷ đồng tăng trưởng 11,9%, số tiền đã bồi thường 466,5 tỷ đồng chiếm 21,6% (chưa kể tổn thất đang giải quyết).

            Bảo hiểm cháy nổ đạt 1.732 tỷ đồng tăng trưởng -23,5%, số tiền đã giải quyết bồi thường 938,5 tỷ đồng chiếm 54% (chưa kể tổn thất đang giải quyết hồ sơ).

            Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu đạt 1.667 tỷ đồng tăng trưởng     -7,2%, số tiền đã giải quyết bồi thường 1.796 tỷ đồng chiếm 107,7% doanh thu (chưa kể các vụ đang giải quyết bồi thường).

            Các nghiệp vụ bảo hiểm khác gồm bảo hiểm trách nhiệm 614 tỷ đồng tăng trưởng 20%, bảo hiểm hàng không 583 tỷ đồng tăng trưởng -25%, bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính 64 tỷ đồng tăng trưởng 33%, bảo hiểm thiệt hại kinh doanh 109 tỷ đồng tăng trưởng 14,7%, bảo hiểm nông nghiệp đạt 184 tỷ đồng tăng trưởng -33% nhưng bồi thường 606 tỷ đồng chiếm 329% doanh thu.

            Năm 2013 có nhiều thiên tai tai nạn xảy ra: 16 cơn bão liên tiếp đổ vào Việt Nam, cháy nổ gia tăng trong đó có Trung tâm thương mại Hải Dương, tai nạn giao thông chưa thuyên giảm nhưng số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm số người chết, bị thương, tài sản hư hỏng gia tăng.

            Đứng đầu doanh thu là Bảo Việt 5.620 tỷ đồng tăng trưởng 4,5% chiếm 23% thị phần; PVI 5.098 tỷ đồng tăng trưởng 9,4% chiếm 21% thị phần; Bảo Minh đạt 2.308 tỷ đồng tăng trưởng 0,6% chiếm 9,5% thị phần; PJICO đạt 1.976 tỷ đồng tăng trưởng 0,2% chiếm 8% thị phần; PTI 1.463 tỷ đồng giảm 12% đạt 6% thị phần.

            Các doanh nghiệp bảo hiểm tăng trưởng cao là Phú Hưng 10,8 tỷ đồng tăng 121%, Cathay 90 tỷ đồng tăng 81%, Bảo Long 428 tỷ đồng tăng 68%. Các doanh nghiệp bảo hiểm giảm doanh thu bao gồm BSH 216 tỷ đồng giảm 31%, Xuân Thành 184 tỷ đồng giảm 17%, QBE 94 tỷ đồng giảm 12%, PTI giảm 12%, VNI 440 tỷ đồng giảm 1,7%, GIC 487 tỷ đồng giảm 1%.

            Bộ Tài chính đang chấn chỉnh lại thị trường bảo hiểm xe cơ giới, yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm phải đăng ký lại quy tắc điều khoản biểu phí bảo hiểm vật chất xe ô tô sau nhiều năm lỗ nghiệp vụ để đảm bảo an toàn tài chính và buộc các doanh nghiệp sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu bảo hiểm xe cơ giới do Quỹ bảo hiểm xe cơ giới xây dựng và đưa vào vận hành giữa năm 2013. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam kiến nghị với Bộ Tài chính xử lý bảo hiểm thân tàu sau 12 năm liền thua lỗ bằng cách các doanh nghiệp bảo hiểm phải đăng ký lại quy tắc điều khoản biểu phí bảo hiểm thân tàu đảm bảo an toàn tài chính.

            Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục tái cơ cấu về vốn chủ sở hữu, tăng vốn đảm bảo biên khả năng thanh toán cho hoạt động bảo hiểm và đầu tư cùng với sự rút vốn tập đoàn, tổng công ty nhà nước và lựa chọn đối tác chiến lược, xử lý nợ đọng phí khó đòi cũng như danh mục đầu tư kém hiệu quả. Tái cơ cấu sản phẩm bảo hiểm tập trung nhiều vào sản phẩm phi tài sản của các tổ chức đang có xu hướng giảm, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, trách nhiệm, tài chính. Tái cơ cấu kênh phân phối qua ngân hàng, bưu điện, hệ thống gara, đăng kiểm, thương mại điện tử. Thắt chặt chế độ kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tuân thủ các quy trình khai thác, giám định, bồi thường. Mở rộng mạng lưới và phát triển hệ thống dịch vụ chăm sóc khách hàng. Kết quả đã nâng cao được hiệu quả kinh doanh, số lượng doanh nghiệp bảo hiểm có lãi về nghiệp vụ bảo hiểm tăng hơn trong bối cảnh lãi về đầu tư tài chính suy giảm đáng kể.

3.         Thị trường bảo hiểm nhân thọ

            Trong khó khăn của nền kinh tế xã hội đã nảy sinh những yếu tố mới kích thích nhu cầu bảo hiểm nhân thọ. Hình ảnh người dân Châu Âu gặp khó khăn về đời sống, công ăn việc làm, y tế, học hành, nhà ở được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng làm cho người Việt Nam biết tiết kiệm, tích lũy lo cho tương lại. Khó khăn khi giá cả mặt hàng thiết yếu tăng như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, học phí, xăng dầu, điện nước làm cho dân tiết kiệm tiền tiêu dùng lo cho học hành, chữa bệnh, nhà ở cho con cái, người thân và cho chính mình khi hết độ tuổi lao động.

            Các kênh thu hút tiền nhàn rỗi trong dân cư như chứng khoán, bất động sản, tiền gửi ngân hàng, mua đô la vàng bạc đều kém hấp dẫn làm cho người dân có tiền lựa chọn tham gia bảo hiểm nhân thọ vừa tích lũy, vừa sinh lời, vừa bảo vệ những rủi ro thiên tai, tai nạn bất ngờ xảy ra.

            Chính vì vậy, bảo hiểm nhân thọ năm 2013 có tăng trưởng đột biến.

            Tổng doanh thu ước đạt 22.650 tỷ đồng tăng trưởng 23,1% với biểu đồ tăng trưởng Quý I 26%, 6 tháng 23%, 9 tháng 20%. Đặc biệt cuối năm PVI Sunlife có doanh thu 1.000 tỷ đồng đóng góp lớn cho tăng trưởng bảo hiểm nhân thọ. Tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm và bảo tức 8.095 tỷ đồng, tổng số tiền đầu tư vào nền kinh tế quốc dân khoảng 81.000 tỷ đồng tăng 24%. Tổng số hợp đồng bảo hiểm đạt 5.204.727 hợp đồng tăng 9,2%. Trong đó bảo hiểm hỗn hợp chiếm 61,5%, tử kỳ 18,7%, liên kết đầu tư 18,4%. Thị phần của các doanh nghiệp bảo hiểm top đầu là Prudential 33,1%, Bảo Việt 28,7%, Manulife 10,1%, AIA 7,6%, Dai-ichi 7,3%, PVI Sunlife 5,4%, ACE 4,5%. Doanh thu (lãi) hoạt động đầu tư ước đạt 8.778 tỷ đồng, tỷ suất lãi 10,5% cao hơn lãi tiền gửi ngân hàng, mang lại bảo tức tốt hơn cho người được bảo hiểm.

            Kết quả khai thác mới, số lượng hợp đồng khai thác mới 1.920.000 hợp đồng tăng trưởng 18,5% cao nhất từ trước đến nay. Bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 32,8%, bảo hiểm hỗn hợp 41,2%, bảo hiểm liên kết chung 25,5%. Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới ước đạt 7.603 tỷ đồng tăng trưởng 45,9% trong đó bảo hiểm tử kỳ tăng 230%, liên kết đầu tư tăng 89,6%, bảo hiểm hỗn hợp tăng 11%. Các doanh nghiệp bảo hiểm có khai thác mới dẫn đầu thị phần là Prudential 23,1%, Bảo Việt 21,1%, PVI Sunlife 13%, Manulife 11%, AIA và Dai-ichi 8,3%, ACE 6,4%, Prevoir 5,4%. Phí bảo hiểm bình quân của hợp đồng khai thác mới là 5,3 triệu đồng, trong đó bảo hiểm hỗn hợp 7,6 triệu đồng, bảo hiểm liên kết chung 12,8 triệu đồng, tử kỳ 0,8 triệu đồng.

            Nhìn chung nhân tố góp phần tăng trưởng bảo hiểm nhân thọ năm 2013 tăng cao là chất lượng khai thác mới tốt hơn, tăng cả về số lượng hợp đồng, số tiền bảo hiểm và số phí bảo hiểm thu được. Bảo hiểm hỗn hợp vẫn là quan trọng chiếm phần lớn số lượng hợp đồng 61,5% sau đó là tử kỳ 18,7% và liên kết đầu tư 18,4% số lượng hợp đồng. Song xếp theo tổng doanh thu bảo hiểm hỗn hợp vẫn quan trọng nhất chiếm 66% tiếp đến là bảo hiểm liên kết đầu tư 29%, tử kỳ 3%. Điểm đáng chú ý là bảo hiểm tử kỳ có xu hướng gia tăng nhanh, phù hợp với nhu cầu bảo hiểm sức khỏe y tế cho người dân hiện nay.

4.         Dự báo tình hình thị trường bảo hiểm năm 2014

            Chỉ tiêu kinh tế xã hội được Quốc hội thông qua: tăng trưởng GDP 5,8%, CPI dưới 7%, bội chi ngân sách 5,3% tương đương với 260.000 tỷ đồng giành cho đầu tư công, phát hành trái phiếu Chính phủ 2014-2016 là 170.000 tỷ đồng giành cho đầu tư và vốn đối ứng ODA. Nền kinh tế xã hội có dấu hiệu chuyển dịch tích cực, tồn kho giảm, căn hộ có giá trung bình tiêu thụ được, thị trường chứng khoán khởi sắc và chuẩn bị có lượng hàng lớn khi cổ phần hóa 500 tập đoàn, tổng công ty nhà nước và rút vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư vào lĩnh vực trái ngành nghề.

            Các dự án FDI đăng ký 21,6 tỷ USD năm 2013 sẽ giải ngân chủ yếu vào 2014 cũng như thu hút FDI năm 2014 có nhiều khả quan hơn. Hàng loạt dự án xây dựng Quốc lộ 1 (khu vực miền Trung), Đường Hồ Chí Minh khu vực Tây Nguyên, đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng, đường trên biển cảng Lạch Huyện, đường sắt đô thị trên cao, khu công nghiệp Vũng Áng, Nghi Sơn, Phú Quốc, Vân Đồn… đang được triển khai. Năm 2014, Chính phủ sẽ có nhiều chính sách, giải pháp mới tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho nền kinh tế xã hội. Bảo hiểm hưu trí tự nguyện và bảo hiểm nhóm cho người lao động sẽ được doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tích cực triển khai trong năm. Song khi thị trường tài chính khởi sắc, lãi tiền gửi tăng, đầu tư bất động sản, chứng khoán có nhiều hứa hẹn thì chính các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phải cạnh tranh với các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bất động sản trong thu hút tiền nhàn rỗi dân cư.

            Từ những nhận định trên có thể dự báo thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng khoảng 10-11% (gấp 1,5 lần 2013), thị trường bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng khoảng 18-20% (giảm 3-5% so với 2013). Đầu tư vào nền kinh tế quốc dân khoảng 120.000 tỷ đồng, tăng trưởng 14%.

 Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Đính kèm: