Hỗ trợ - Hotline +(84)43 9428 106

Hội thảo “Cam kết thuế quan và dịch vụ của Việt Nam tại các Hiệp định thương mại tự do”

Trong khuôn khổ Dự án Quản trị Nhà nước nhằm Tăng trưởng toàn diện (GIG), ngày 27/9/2018 tại Bãi Cháy – Quảng Ninh,  Bộ Tài chính phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo “Cam kết thuế quan và dịch vụ của Việt Nam tại các Hiệp định thương mại tự do”.

Hội thảo “Cam kết thuế quan và dịch vụ của Việt Nam tại các Hiệp định thương mại tự do”

Đại diện của Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm và Đại diện của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - Bộ Tài chính đã trình bày các Cam kết của Việt Nam về dịch vụ tài chính trong các Hiệp định thương mại tự do. Việt Nam đã có những cam kết về mở cửa thị trường đối với dịch vụ bổ trợ bảo hiểm tại các FTAs. Gần đây nhất, tại Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, cam kết này cũng đã được khẳng định.

Tại Phiên họp thứ 2 cùng ngày với chuyên đề về “Phổ biến và thảo luận về cam kết dịch vụ tài chính trong lĩnh vực bảo hiểm” cũng đã diễn ra, các đại biểu đã nghe tham luận và thảo luận về một số kinh nghiệm quốc tế nổi bật, thực trạng và xu hướng phát triển của lĩnh vực dịch vụ bổ trợ bảo hiểm tại thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Một số dịch vụ bổ trợ bảo hiểm chính đã được tập trung thảo luận gồm: Dịch vụ tư vấn; Dịch vụ đánh giá rủi ro; Dịch vụ actuary; Dịch vụ hỗ trợ giải quyết bồi thường, bao gồm giám định tổn thất. Đây cũng là những dịch vụ được đề cập cụ thể trong các cam kết FTAs về bảo hiểm, trong đó có CPTPP.

Đối với từng dịch vụ bổ trợ bảo hiểm, Hội thảo đã làm rõ các nội dung của dịch vụ, nhu cầu và xu hướng sử dụng, cung cấp dịch vụ tại thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Tuy nhiên, hoạt động bổ trợ bảo hiểm tại Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế, nổi bật trong đó là chưa có quy định pháp lý cụ thể về tiêu chuẩn hoạt động, đảm bảo quyền lợi của khách hàng và các bên liên quan. Việc cung cấp nội địa các dịch vụ bổ trợ bảo hiểm tại Việt Nam chưa được đa dạng, chưa phải là thế mạnh so với các nhà cung cấp dịch vụ đang hoạt động tại những thị trường nước ngoài. Một số chủ thể có khả năng cung cấp dịch vụ bổ trợ bảo hiểm trong nước như doanh nghiệp môi giới bảo hiểm lại chưa có quy định pháp lý rõ ràng cho phép cung cấp dịch vụ bổ trợ bảo hiểm theo năng lực đã có. Việc quản lý, giám sát các hoạt động bổ trợ bảo hiểm liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm chưa được thống nhất trong tổng thể nội dung quản lý, giám sát thị trường bảo hiểm.

Kinh nghiệm tại một số quốc gia được tham khảo, đề cập trong các tham luận tại Hội thảo cho thấy, để hỗ trợ thị trường bảo hiểm phát triển ổn định, hoạt động bổ trợ bảo hiểm cần phải được coi là một phần quan trọng và được quản lý thống nhất trong tổng thể thị trường bảo hiểm.

Các nội dung thảo luận, thông tin tại Hội thảo rất bổ ích để sử dụng trong các công việc tiếp theo của quá trình xây dựng chính sách đối với dịch vụ bổ trợ bảo hiểm. Với mục tiêu tạo dựng hành lang pháp lý cho hoạt động bổ trợ bảo hiểm trong tổng thể hành lang pháp lý của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đáp ứng sự đòi hỏi tất yếu từ yêu cầu phát triển ổn định của thị trường bảo hiểm Việt Nam và thực hiện nhiệm vụ thể chế hóa cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này. Trong thời gian tới cơ quan quản lý nhà nước cùng các bên liên quan như doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, các đơn vị sử dụng và cung cấp dịch vụ bổ trợ bảo hiểm, các cơ sở nghiên cứu khoa học, các tổ chức cá nhân trong nước và quốc tế sẽ tiếp tục nghiên cứu về hoạt động bổ trợ bảo hiểm, làm cơ sở cho những đề xuất chính sách cụ thể đến các cấp có thẩm quyền.

Trịnh Tuyết Nga