Hỗ trợ - Hotline +(84)43 9428 106

Để thị trường bảo hiểm phát triển toàn diện, an toàn

Phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm an toàn là mục tiêu tại Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Để thị trường bảo hiểm phát triển toàn diện, an toàn

Đề án đặt mục tiêu cụ thể với thị trường bảo hiểm, trong đó, tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư, tổng dự phòng nghiệp vụ, tổng nguồn vốn chủ sở hữu, tổng doanh thu tăng bình quân 20% đến năm 2020 và 15%/năm từ năm 2021 đến năm 2025.

Đến năm 2020, có 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ và năm 2025 là 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ; doanh thu phí bảo hiểm bình quân GDP đến năm 2020 tối đa 3%, đến năm 2025 là 3,5%.

Các sản phẩm bảo hiểm ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu tham gia bảo hiểm khác nhau của mọi tổ chức, cá nhân; công nghệ hiện đại được áp dụng trong mọi hoạt động, lĩnh vực của hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhằm tạo điều kiện tối đa cho khách hàng tham gia bảo hiểm.

 Nâng cao tính minh bạch thông tin

Một trong các giải pháp chung cơ cấu lại thị trường bảo hiểm là nâng cao tính minh bạch thông tin. Cụ thể, yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm công khai thông tin đầy đủ, toàn diện và tương ứng một cách kịp thời nhằm giúp cho bên mua bảo hiểm và các tổ chức có liên quan hiểu rõ về cơ cấu tổ chức, hoạt động kinh doanh, kết quả hoạt động và tình hình tài chính của doanh nghiệp, nhằm đẩy mạnh kỷ luật của thị trường, đồng thời giúp mọi tổ chức, cá nhân có liên quan hiểu rõ về doanh nghiệp bảo hiểm, về các loại rủi ro tác động đến hoạt động của doanh nghiệp và cách thức quản lý rủi ro.

Giải pháp chung khác là phát triển và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm, trong đó, phát triển đa dạng các kênh phân phối nhằm đẩy mạnh phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo hướng chuyên nghiệp, theo kịp với sự phát triển của cách mạng công nghệ 4.0, phục vụ tốt nhất bên mua bảo hiểm, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận bảo hiểm một cách dễ dàng, chuyên nghiệp nhất; quản lý theo nguyên tắc đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ bổ trợ dành cho bảo hiểm theo hướng quy định điều kiện, tiêu chuẩn hoạt động của tổ chức cung cấp dịch vụ bổ trợ tương ứng với từng loại hình dịch vụ (dịch vụ tư vấn, quản lý rủi ro; dịch vụ actuary, dịch vụ quản lý bồi thường, dịch vụ giám định tổn thất, ...)

Triển khai dự án hệ thống thông tin nhằm hệ thống hóa một cách đồng bộ, toàn diện toàn bộ dữ liệu ngành bảo hiểm, vừa phục vụ công tác quản lý giám sát, vừa xây dựng cơ sở tính toán phí bảo hiểm thuần, kiểm soát rủi ro và trục lợi bảo hiểm, giảm thiểu cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời bắt kịp với xu hướng cách mạng công nghệ 4.0.

 

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm

Đối với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, cần nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, đảm bảo an toàn hệ thống. Cụ thể, xây dựng đầy đủ hệ thống kiểm soát rủi ro tại doanh nghiệp bảo hiểm, kịp thời phát hiện được các rủi ro phát sinh từ hoạt động nghiệp vụ, hoạt động tài chính và quản trị doanh nghiệp, trên cơ sở đó đo lường rủi ro, đánh giá rủi ro, kiểm soát và loại bỏ rủi ro, giám sát và đánh giá lại rủi ro của từng hoạt động và các rủi ro liên quan đến các hoạt động này.

Doanh nghiệp bảo hiểm tự đánh giá, xếp loại, chủ động có biện pháp kiểm soát, phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro, hạn chế tổn thất, can thiệp và điều chỉnh kịp thời trong quá trình hoạt động nhằm ngăn chặn nguy cơ mất khả năng thanh toán, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh; nâng cao năng lực về tài chính, tăng cường quản trị tài chính, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Tăng cường hợp tác trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ để cạnh tranh lành mạnh; hợp tác trong chia sẻ thông tin để xây dựng cơ sở phí bảo hiểm thuần, tránh hạ phí bảo hiểm ảnh hưởng đến an toàn tài chính, đồng thời giảm thiểu rủi ro trục lợi bảo hiểm.

Thống kê mới nhất của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến hết năm 2018, toàn thị trường có 30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm.

Một số chỉ tiêu cơ bản của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trong năm 2018 tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Cụ thể, tổng tài sản ước đạt 81.806 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2017. Tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 45.694 tỷ đồng, tăng 9,9% so với năm 2017.

Tổng số tiền bồi thường bảo hiểm gốc của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 19.476 tỷ đồng, tăng 21,19% so với cùng kỳ năm 2017. Đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 43.173 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2017.

Đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, khuyến khích phát triển đa dạng các sản phẩm mới. Có cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm có ý nghĩa cộng đồng và an sinh xã hội như bảo hiểm vi mô, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hưu trí.

Đa dạng hóa phương thức và phát triển các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với xu thế kinh doanh gắn liền với cách mạng công nghệ 4.0, theo đó vừa đáp ứng nhu cầu của khách hàng, vừa đảm bảo đơn giản trong thẩm định và chi trả quyền lợi bảo hiểm cho đối tượng khách hàng sử dụng công nghệ cao, nhưng vẫn đảm bảo an toàn, thận trọng cho doanh nghiệp bảo hiểm, phòng ngừa và kiểm soát rủi ro tương ứng.

Được biết năm 2018, thị trường bảo hiểm nhân thọ (BHNT) tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với tổng doanh thu đạt 115.982 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 87.960 tỷ đồng, tăng 32,8% so với năm 2017, doanh thu từ hoạt động đầu tư ước đạt  28.022 tỷ đồng, tăng 29,4%. Năng lực tài chính của các doanh nghiệp BHNT tiếp tục được nâng cao, với tổng tài sản ước đạt 302.370 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2017. Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 50.251 tỷ đồng, tăng 25%. Trong đó, vốn điều lệ được tăng thêm trong năm 2018 là 19.706 tỷ đồng, tăng 136%.

Tất cả các doanh nghiệp đều thực hiện trích lập dự phòng nghiệp vụ bằng hoặc cao hơn so với quy định của pháp luật, với tổng dự phòng nghiệp vụ ước đạt 219.583 tỷ đồng, tăng 30%. Các doanh nghiệp BHNT đã giải quyết tốt quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng, được khách hàng tin cậy là tấm lá chắn tài chính an toàn trước những rủi ro, với tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 18.650 tỷ đồng, tăng 17%. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã đóng góp lớn vào sự phát triển nền kinh tế - xã hội, bổ sung nguồn vốn đầu tư dài hạn, ổn định cho nền kinh tế, với tổng số tiền đầu tư ước đạt 276.437 tỷ đồng, tăng 33%.

HP.