Hỗ trợ - Hotline +(84)43 9428 106

Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi: Đã được Quốc hội thông qua với đa số phiếu tán thành

Sáng 16/6, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2023, trừ một số trường hợp cụ thể được quy định riêng.

Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi: Đã được Quốc hội thông qua với đa số phiếu tán thành

Khuyến khích, tạo điều kiện cho bảo hiểm nông, lâm, ngư nghiệp, bảo hiểm vi mô

Luật này quy định về tổ chức và hoạt động kinh doanh bảo hiểm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Luật này không áp dụng đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm khác do Nhà nước thực hiện không mang tính kinh doanh.

Trong đó, về chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Luật quy định Nhà nước bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm và các tổ chức hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô đầu tư trở lại nền kinh tế, tái đầu tư, xây dựng thị trường bảo hiểm.

Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện đối với việc triển khai và tham gia các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, các sản phẩm bảo hiểm vi mô và các sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh, xã hội.

Về nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm, Luật quy định tổ chức, cá nhân tại Việt Nam có nhu cầu tham gia bảo hiểm chỉ được tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô được cấp giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam, trừ trường hợp sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Chính phủ quy định chi tiết việc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, dịch vụ môi giới bảo hiểm qua biên giới, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới phù hợp với các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

 

Doanh nghiệp bảo hiểm được sở hữu cổ phiếu bất động sản

Trước khi biểu quyết thông qua Nghị quyết, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình về dự án Luật.

Theo báo cáo, về hai nội dung còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã gửi phiếu xin ý kiến và trên cơ sở đa số ý kiến, UBTVQH đã tiếp thu giữ quy định tại Điều 3 về áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm, luật khác có liên quan và tập quán quốc tế; không quy định về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết về việc quản lý và sử dụng số dư của Quỹ tại điều khoản chuyển tiếp.

Theo đó, tại Điều 3, Luật quy định trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành cần quy định khác với quy định của Luật này về hợp đồng bảo hiểm, thành lập, tổ chức hoạt động, hoạt động nghiệp vụ, tài chính, hạch toán kế toán và báo cáo tài chính, khả năng thanh toán và biện pháp can thiệp đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật này.

Các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm có thể thỏa thuận áp dụng tập quán quốc tế trong trường hợp có ít nhất một trong các bên tham gia là tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc các bên tham gia là công dân Việt Nam, tổ chức Việt Nam nhưng đối tượng bảo hiểm hoặc việc thực hiện hợp đồng ở nước ngoài. Nếu hậu quả của việc áp dụng tập quán quốc tế trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng.

Về hệ thống cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm, UBTVQH đã tiếp thu, chỉnh sửa quy định tại khoản 1 Điều 11 theo hướng Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm là nhằm phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm mà không phục vụ trực tiếp hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Bên cạnh đó, trách nhiệm về bảo mật thông tin đã được quy định tại các điều, khoản của dự thảo Luật. Việc sử dụng dữ liệu phải bảo đảm các quy định của Luật này và các luật khác có liên quan về bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh, không mang tính định danh cá nhân, bảo đảm việc sử dụng thông tin đúng mục đích, đúng thẩm quyền (khoản 5 Điều 11).

Về quy định chung về đầu tư, UBTVQH đã tiếp thu, để làm rõ các nội dung doanh nghiệp không được phép thực hiện, dự thảo Luật đã chỉnh sửa điểm a khoản 3 Điều 99 theo hướng doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp: mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của Quỹ đại chúng; mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ; cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng; nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn 3 năm kể từ ngày nắm giữ. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết về hạn mức đầu tư mua cổ phiếu, chứng chỉ quỹ để bảo đảm thận trọng, tránh rủi ro đầu cơ bất động sản./.

H.Y