Hỗ trợ - Hotline +(84)43 9428 106

Một số điểm mới của Luật các Tổ chức tín dụng

Ngày 18/01/2024 Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Các Tổ chức tín dụng (TCTD) và Luật này chính thức bắt đầu có hiệu lực từ 01/7/2024. Dưới đây là một số điểm mới của Luật Các TCTD năm 2024.

Một số điểm mới của Luật các Tổ chức tín dụng

- Về phạm vi điều chỉnh, so với Luật Các TCTD hiện hành, Luật Các TCTD năm 2024 đã bổ sung thêm các quy định về can thiệp sớm vào phạm vi điều chỉnh của Luật. Theo đó, tại Điều 1 Luật Các TCTD 2024 đã bổ sung: “việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ” cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Các TCTD năm 2024.

- Về đối tượng áp dụng, Luật Các TCTD năm 2024 đã quy định bổ sung các tổ chức mua bán, xử lý nợ cũng thuộc đối tượng áp dụng của Luật

- Về áp dụng Luật Các TCTD, điều ước quốc tế, tập quán thương mại quốc tế và các luật có liên quan, so với Luật Các TCTD hiện hành, Luật Các TCTD năm 2024 đã bỏ quy định về áp dụng Luật Các TCTD, điều ước quốc tế và các luật có liên quan mà chỉ dừng lại ở việc áp dụng tập quán thương mại.

- Về giải thích từ ngữ, Luật Các TCTD năm 2024 đã quy định bổ sung giải thích mới về các từ ngữ như: Công ty kiểm soát, công ty tài chính chuyên ngành, công ty tài chính tổng hợp, rút tiền hàng loạt, phương thức chuyển giao bắt buộc, thư tín dụng, TCTD hỗ trợ, vốn điều lệ, vốn pháp định, vốn được cấp.

- Về sử dụng thuật ngữ liên quan đến hoạt động ngân hàng, Luật Các TCTD năm 2024 đã bổ sung thêm cụm từ “tổ chức tài chính vi mô”, “quỹ tín dụng nhân dân”, đây là những thuật ngữ chưa được ghi nhận tại Luật Các TCTD hiện hành. Theo đó, tổ chức không phải là TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được phép sử dụng cụm từ như “tổ chức tài chính vi mô”, “quỹ tín dụng nhân dân” … trong tên của tổ chức, chức danh hoặc trong phần phụ thêm của tên, chức danh hoặc trong giấy tờ giao dịch hoặc quảng cáo của mình nếu việc sử dụng cụm từ, từ ngữ đó có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng về việc tổ chức đó là một TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

- Về quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh, Luật Các TCTD năm 2024 đã bỏ nội dung quy định: “Không tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kinh doanh của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.

- Về quyền hoạt động ngân hàng, Luật Các TCTD năm 2024 đã bỏ nội dung quy định: “Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là TCTD thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán”.

- Về hợp tác và cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng, Luật Các TCTD năm 2024 đã bỏ nội dung quy định: “Nghiêm cấm hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc hành vi cạnh tranh không lành mạnh có nguy cơ gây tổn hại hoặc gây tổn hại đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn của hệ thống các TCTD, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Chính phủ quy định cụ thể các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng và hình thức xử lý các hành vi này”.

- Về trách nhiệm của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng, Luật TCTD năm 2024 đã bỏ nội dung quy định: “TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được phép ngừng giao dịch quá 01 ngày làm việc”. Luật Các TCTD năm 2024 không còn quy định ghi nhận về trách nhiệm phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

- Về người đại diện theo pháp luật của TCTD, Luật Các TCTD năm 2024 đã bổ sung quy định: “3. TCTD phải thông báo cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về người đại diện theo pháp luật của TCTD trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày bầu, bổ nhiệm chức danh đảm nhiệm người đại diện theo pháp luật theo quy định tại Điều lệ hoặc thay đổi người đại diện theo pháp luật. NHNN thông báo người đại diện theo pháp luật của TCTD cho cơ quan đăng ký kinh doanh để cập nhật vào hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã”.

- Về cung cấp thông tin, Luật Các TCTD năm 2024 đã bổ sung nội dung quy định: “4. Khi thực hiện giao dịch với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, khách hàng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu trung thực, chính xác, đầy đủ, kịp thời và phải chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu đó”.

- Về bảo mật thông tin, Luật Các TCTD năm 2024 đã có sự thay đổi nội dung quy định từ “không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng” thành “không được cung cấp thông tin khách hàng”.

- Luật Các TCTD năm 2024 đã bỏ nội dung quy định về cơ sở dữ liệu dự phòng, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài và bổ sung thêm quy định mới về “An toàn dữ liệu và bảo đảm hoạt động liên tục” (Điều 14) và các “Hành vi bị nghiêm cấm” (Điều 15).

- Bổ sung mới Chương II về ngân hàng chính sách. Nội dung Chương này được xây dựng trên cơ sở mở rộng Điều 17 của Luật Các TCTD năm 2010 với việc quy định chi tiết nhiều vấn đề hơn từ Điều 16 đến Điều 26 của Luật Các TCTD năm 2024.

- Bổ sung một số nhóm người liên quan TCTD. Để đảm bảo an toàn trong hoạt động TCTD, minh bạch hóa việc sở hữu cổ phần của cổ đông và những người có liên quan của cổ đông đó, hạn chế tình trạng thao túng hoạt động của các TCTD, Luật Các TCTD năm 2024 đã quy định bổ sung thêm một số nhóm người có liên quan bao gồm: “Công ty con của công ty con của TCTD; ông bà nội, ông bà ngoại, cháu nội, cháu ngoại, bác ruột, cô ruột, dì ruột, chú ruột, cậu ruột và cháu ruột”; xác định rõ hơn đối tượng cá nhân được ủy quyền đại diện cho tổ chức, cá nhân là cá nhân được ủy quyền đại diện phần vốn góp cho tổ chức, cá nhân.

- Cấm bán bảo hiểm không bắt buộc đi kèm khoản vay. Điều 15 Luật Các TCTD năm 2024 nghiêm cấm các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

- Hợp nhất Giấy phép thành lập và hoạt động của TCTD đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp16. Để giảm bớt thủ tục liên quan đến cấp phép, Luật Các TCTD năm 2024 đã bổ sung quy định hợp nhất Giấy phép thành lập và hoạt động của TCTD đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

- Cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ phải công khai thông tin.

- Giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông. Điều 63 Luật Các TCTD năm 2024 đã giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là tổ chức và của nhóm cổ đông và người có liên quan trong TCTD.

- Bổ sung quy định về xét duyệt các khoản vay tiêu dùng. Trước đây, Luật Các TCTD năm 2010 chưa có quy định cụ thể về các khoản vay có giá trị nhỏ. Tuy nhiên, tại Điều 102 Luật Các TCTD năm 2024 đã quy định rõ các TCTD phải có tối thiểu thông tin về mục đích sử dụng vốn hợp pháp, khả năng tài chính của khách hàng trước khi quyết định cấp tín dụng đối với các khoản vay có mức giá trị nhỏ như: Khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, khoản cấp tín dụng qua thẻ của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; khoản cho thuê tài chính, khoản cho vay tiêu dùng, khoản cấp tín dụng qua thẻ của TCTD phi ngân hàng; khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của quỹ tín dụng nhân dân; khoản cho vay của tổ chức tài chính vi mô.

- Giảm dần mức cấp tín dụng theo từng giai đoạn. Từ 01/7/2024, Luật Các TCTD năm 2024 quy định giảm dần giới hạn cấp tín dụng theo từng giai đoạn theo quy định tại Điều 136 như sau: Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó của NHTM, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô không được vượt quá tỷ lệ sau đây: (i) Từ ngày 01/7/2024 đến trước ngày 01/01/2026: 14% vốn tự có đối với một khách hàng; 23% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó; (ii) Từ ngày 01/01/2026 đến trước ngày 01/01/2027: 13% vốn tự có đối với một khách hàng; 21% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó; (iii) Từ ngày 01/01/2027 đến trước ngày 01/01/2028: 12% vốn tự có đối với một khách hàng; 19% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó; (iv) Từ ngày 01/01/2028 đến trước ngày 01/01/2029: 11% vốn tự có đối với một khách hàng; 17% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó; (v) Từ ngày 01/01/2029: 10% vốn tự có đối với một khách hàng; 15% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của TCTD phi ngân hàng; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó không được vượt quá 25% vốn tự có của TCTD phi ngân hàng. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng trên không bao gồm khoản cho vay từ nguồn vốn ủy thác của Chính phủ, tổ chức, cá nhân mà TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhận ủy thác không chịu rủi ro hoặc trường hợp khách hàng vay là TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác.

- TCTD không được cấp tín dụng cho một khách hàng vượt quá 10% vốn tự có (giảm từ 15%) và một khách hàng và người có liên quan 15% (giảm từ 25%).

- Bổ sung quy định về rút tiền hàng loạt. Luật Các TCTD năm 2024 cũng đã bổ sung quy định về rút tiền hàng loạt, trong đó quy định rõ các biện pháp sẽ áp dụng khi một TCTD bị rút tiền hàng loạt, bao gồm các biện pháp tự thân của TCTD và các biện pháp hỗ trợ thanh khoản, đảm bảo an toàn hệ thống, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền.

- Quy định can thiệp sớm các TCTD yếu kém. Luật Các TCTD năm 2024 bổ sung hẳn một chương gồm 06 điều luật (từ Điều 156 đến Điều 161) quy định về các biện pháp can thiệp sớm các TCTD yếu kém. Theo đó, NHNN xem xét, quyết định thực hiện can thiệp sớm khi TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc một hoặc một số trường hợp sau đây: (i) Số lỗ lũy kế của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu quy định; (ii) Xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định của Thống đốc NHNN; (iii) Vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả trong thời gian 30 ngày liên tục; (iv) Vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trong thời gian 06 tháng liên tục; (v) Bị rút tiền hàng loạt và có báo cáo gửi NHNN.

- Các yêu cầu đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm bao gồm: (i) Tăng vốn điều lệ, vốn được cấp; tăng cường nắm giữ tài sản có tính thanh khoản cao và thực hiện các giải pháp khác để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng; (ii) Cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí quản lý, thù lao, lương, thưởng; yêu cầu bồi hoàn thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý, người điều hành, thành viên Ban kiểm soát; (iii) Tăng cường quản trị rủi ro; tổ chức lại bộ máy quản trị, điều hành.

- Các biện pháp hạn chế đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm bao gồm: (i) Không chia cổ tức, lợi tức, phân phối lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập các quỹ, chuyển lợi nhuận về nước; hạn chế chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, chuyển nhượng tài sản; (ii) Hạn chế hoạt động kinh doanh không hiệu quả, có rủi ro cao; giảm giới hạn cấp tín dụng, giới hạn góp vốn, mua cổ phần; hạn chế tăng trưởng tín dụng; (iii) Đình chỉ, tạm đình chỉ một hoặc một số hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật; không bổ sung nội dung hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh mới khác, không mở rộng mạng lưới hoạt động; (iv) Đình chỉ người quản lý, người điều hành có hành vi vi phạm quy định pháp luật hoặc gây rủi ro lớn đến hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; (v) Yêu cầu bầu, bổ nhiệm thay thế người quản lý, người điều hành có hành vi vi phạm quy định pháp luật hoặc gây rủi ro lớn đến hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm; (vi) Biện pháp khác theo thẩm quyền của NHNN.

- Được chuyển nhượng tài sản bảo đảm là dự án bất động sản để thu hồi nợ. Luật Các TCTD năm 2024 bổ sung quy định về chuyển nhượng tài sản bảo đảm tại Điều 200. Theo đó, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của TCTD, công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Đồng thời, không phải áp dụng quy định về điều kiện chủ thể kinh doanh bất động sản đối với bên chuyển nhượng dự án bất động sản của Luật Kinh doanh bất động sản.

Hoàng Duy tổng hợp