Một số nét chính của thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2023
Năm 2023 là một năm có nhiều biến động đối với hoạt động của thị trường bảo hiểm Việt Nam. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức đến từ nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan nhưng với sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc của Cơ quan quản lý Nhà nước, sự nỗ lực của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, đội ngũ cán bộ doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm…, ngành bảo hiểm đã và đang vượt qua được thách thức để đạt được những kết quả tích cực.
- Tổng tài sản: ước đạt
913.336 tỷ đồng (tăng 11,12% so với cùng kỳ năm trước), trong đó các DNBH phi
nhân thọ ước đạt 126.837 tỷ đồng, các DNBH nhân thọ ước đạt 786.499 tỷ đồng.
- Đầu tư trở lại nền kinh tế ước
đạt 757.652 tỷ đồng (tăng 12,56% so với cùng kỳ năm trước), trong đó các DNBH
phi nhân thọ ước đạt 67.648 tỷ đồng; các DNBH nhân thọ ước đạt 690.004 tỷ đồng.
- Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo
hiểm ước đạt 593.474 tỷ đồng (tăng 14,25% so với cùng kỳ năm trước), trong đó
các DNBH phi nhân thọ ước đạt 32.412 tỷ đồng, các DNBH nhân thọ ước đạt 561.062
tỷ đồng…
- Tổng nguồn vốn chủ sở hữu: ước
đạt 190.227 tỷ đồng (tăng 7,09% so với cùng kỳ năm trước), trong đó các DNBH phi
nhân thọ ước đạt 39.104 tỷ đồng, các DNBH nhân thọ ước đạt 151.123 tỷ đồng.
- Các doanh nghiệp bảo hiểm đã
thực hiện giải quyết quyền lợi bảo hiểm ước đạt 80.976 tỷ đồng (tăng 32% so với
cùng kỳ năm trước).
Về hoạt động nghiệp vụ của 02 khối như sau:
1.
Khối nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ:
Doanh thu thị trường bảo hiểm
phi nhân thọ ước đạt 71.064 tỷ, tăng 3%, bồi thường bảo hiểm gốc ước đạt 23.906
tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 33,6 % (chưa bao gồm dự phòng bồi thường). Tổng số tiền
bồi thường bảo hiểm gốc khoảng 23.906 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 33,6%, …Những
nghiệp vụ bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cao là: bảo hiểm xe cơ giới
(52.5%), bảo hiểm sức khỏe (34,6%), bảo hiểm tàu (35,7%). Trong số 32 doanh
nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có 22 doanh nghiệp bảo hiểm và 01 chi nhánh doanh
nghiệp bảo hiểm nước ngoài có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc thấp hơn tỷ lệ bồi
thường bảo hiểm gốc chung của thị trường và 09 DNBH còn lại có tỷ lệ bồi thường
bảo hiểm gốc cao hơn tỷ lệ bồi thường chung của thị trường.
Bảo hiểm sức khỏe doanh thu đạt
23.802 tỷ đồng, tăng 0,3% so với cùng kỳ, bồi thường 8.236 tỷ đồng, tỷ lệ bồi
thường 34,6%
Bảo hiểm xe cơ giới doanh thu
đạt 17.754 tỷ đồng, giảm 1,9% so với cùng kỳ, bồi thường 9.315 tỷ đồng, tỷ lệ bồi
thường 52,5%. Doanh thu bảo hiểm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ
giới đạt 4.342 tỷ đồng, giảm 0.6% so với cùng kỳ, bồi thường 948 tỷ, tỷ lệ bồi
thường 21.8%. Doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 13.412 tỷ đồng, giảm
2.4% so với cùng kỳ, bồi thường 8.366 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 62,4%.
Bảo hiểm tài sản thiệt hại
doanh thu đạt 19.742 tỷ đồng, tăng 11,1 % so với cùng kỳ, bồi thường 3.838 tỷ đồng,
tỷ lệ bồi thường 19,4%. Trong đó, Doanh thu bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đạt 7.240
tỷ đồng, giảm 0,6% so với cùng kỳ, bồi thường 872 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường
12,1%. Doanh thu bảo hiểm cháy nổ tự nguyện đạt 2.804 tỷ đồng, tăng 25,8% so với
cùng kỳ, bồi thường 698 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 24,9%.
Bảo hiểm tàu (bao gồm bảo hiểm
thân tàu, bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu và bảo hiểm P&I) doanh thu đạt
2.967 tỷ đồng, tăng trưởng 5,9%, bồi thường 1.059 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường
35,7 %.
Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển
doanh thu đạt 2.840 tỷ đồng, giảm 10,8% so với cùng kỳ, bồi thường 939 tỷ đồng,
tỷ lệ bồi thường 33,1%.
Các nghiệp vụ bảo hiểm khác gồm
bảo hiểm trách nhiệm đạt 1.795 tỷ đồng tăng trưởng 25.2%, bảo hiểm hàng không
2.840 tỷ đồng, giảm 10.8%, bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính 942 tỷ đồng,
tăng 11.5%, bảo hiểm nông nghiệp đạt 42 tỷ đồng, tăng 0.7% so với cùng kỳ, bảo
hiểm bảo lãnh 32 tỷ đồng, giảm 12.5% so với cùng kỳ.
2.
Khối nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ
Số lượng hợp đồng khai thác mới
năm 2023 đạt 1.915.623 hợp đồng (sản phẩm chính), giảm 43,8% so với cùng kỳ năm
ngoái. Trong đó: Sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng 60,7% giảm
41,4% so với cùng kỳ năm ngoái (trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm
tỷ trọng 47,3% giảm 26,8% so với cùng kỳ năm ngoái; Sản phẩm bảo hiểm liên kết
đơn vị chiếm tỷ trọng 13,4% giảm 65,6% so với cùng kỳ năm ngoái); Sản phẩm bảo
hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 28,8% giảm 45,3% so với cùng kỳ năm ngoái; Sản phẩm bảo
hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 2,1% tăng 47,7% so với cùng kỳ năm ngoái; Các sản
phẩm bảo hiểm còn lại (sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, sản phẩm bảo hiểm hưu trí, sản
phẩm bảo hiểm trọn đời) chiếm tỷ trọng
8,3%, giảm 58,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số lượng hợp đồng có hiệu lực
cuối kỳ (sản phẩm chính) là 12.441.381 hợp đồng, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm
ngoái. Về cơ cấu số lượng hợp đồng theo sản phẩm, sản phẩm được ưa chuộng và
chiếm tỉ trọng cao nhất gồm sản phẩm bảo hiểm liên kết chung (54,8%) và sản phẩm
bảo hiểm hỗn hợp (24%).
Tổng doanh thu phí bảo hiểm
khai thác mới toàn thị trường năm 2023 ước đạt 28.179 tỷ đồng giảm 44,5% so với
cùng kỳ năm trước. Dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới là
Prudential với 5.068 tỷ đồng, Dai-ichi Life với 3.864 tỷ đồng, Bảo Việt Nhân thọ
với 3.642 tỷ đồng, Manulife với 3.433 tỷ đồng, và Sun Life với 2.006 tỷ đồng.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm
toàn thị trường ước đạt là 157.024 tỷ đồng, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 54,8%; sản phẩm bảo
hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 16,5%; sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ
trọng 15,5%; sản phẩm phụ chiếm tỷ trọng 11,9%. Các sản phẩm bảo hiểm còn lại
(sản phẩm bảo hiểm trọn đời, sản phẩm bảo hiểm tử kỳ, sản phẩm bảo hiểm trả tiền
định kỳ, sản phẩm bảo hiểm hưu trí, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, sản phẩm bảo hiểm
sinh kỳ) chiếm tỷ trọng 1,4%.
Về chi trả quyền lợi bảo hiểm
năm 2023 các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện chi trả ước đạt 57.070 tỷ đồng,
tăng 35,7% với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động của Hiệp hội Bảo hiểm
Việt Nam cũng đã góp phần hỗ trợ tích cực giúp các doanh nghiệp bảo hiểm hội
viên cũng như góp phần thúc đẩy thị trường bảo hiểm vượt qua thách thức, một số
hoạt động tiêu biểu trong năm 2023 của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam như sau:
- Các doanh nghiệp bảo hiểm hội
viên Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã tích cực nghiên cứu, đóng góp ý kiến cho dự
thảo các văn bản pháp quy như các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Kinh doanh
bảo hiểm số 08/2022/QH15 như Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của
Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô, Nghị định quy định
về bảo hiểm bắt buộc, Thông tư hướng dẫn một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm...
- Trong năm 2023, Hiệp hội Bảo
hiểm Việt Nam cũng thể hiện tốt vai trò cầu nối, phản ánh được những vướng mắc
của các doanh nghiệp bảo hiểm hội viên, để trên cơ sở đó các cơ quan quản lý
Nhà nước xem xét tìm cách tháo gỡ như các vấn đề về triển khai thực hiện Nghị định
số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, kiến nghị Cục Việc làm – Bộ LĐTBXH
các khó khăn, vướng mắc trong việc xin cấp giấy phép lao động cho người nước
ngoài tại Việt Nam…
- Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam
cũng tích cực thực hiện công tác tuyên truyền thông qua các phương tiện thông
tin truyền thông như báo in, báo điện tử, báo phát thanh truyền hình… Song song
với đó, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng chủ động sử dụng các kênh truyền thông
của Hiệp hội để đẩy mạnh tuyên truyền cho hoạt động bảo hiểm bao gồm cả tuyên
truyền các quy định pháp luật, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về
ý nghĩa của bảo hiểm, những khuyến nghị đối với doanh nghiệp bảo hiểm cũng như
tuyên truyền về thông tin thị trường.
- Năm 2023, hoạt động hội thảo,
đào tạo của Hiệp hội Bảo hiểm Việt cũng được tăng cường hơn cả về số lượng và
chất lượng. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã phối hợp với nhiều tổ chức trong và
ngoài nước để tổ chức Hội thảo, đào tạo đa dạng về nội dung cho các doanh nghiệp
bảo hiểm hội viên như hợp tác với Viện Đào tạo bảo hiểm Úc và New Zealand
(ANZIIF) để tổ chức Hội thảo về chuẩn mực nghề nghiệp và bảo hiểm xe điện, với
PWC tổ chức Hội thảo về khung quản lý rủi ro, với tổ chức xếp hạng tín nhiệm
AM. Best tổ chức Hội thảo về quản lý rủi ro, với Hiệp hội Bảo hiểm phi nhân thọ
Nhật Bản tổ chức Hội thảo về chủ đề vốn trên cơ sở rủi ro, với Công ty Amazon
Web Service tổ chức Hội thảo về chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo hiểm, với Viện
Phát triển bảo hiểm nhân thọ phương Đông tổ chức Hội thảo về chủ đề bảo hiểm
nhân thọ trong xã hội già hóa…
- Quỹ bảo hiểm xe cơ giới Hiệp
hội Bảo hiểm Việt Nam trong năm 2023 cũng đã tài trợ 11 công trình đề phòng hạn
chế tổn thất tai nạn giao thông với tổng kinh phí là 19,8 tỷ đồng và thực hiện
chi hỗ trợ nhân đạo cho 22 trường hợp tai nạn giao thông với số tiền là khoảng
800 triệu đồng.
- Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam
tích cực phối hợp cùng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm và Ban Thư ký Hội đồng Bảo
hiểm các nước ASEAN tổ chức thành công Hội nghị các nhà quản lý bảo hiểm ASEAN
(AIRM) lần thứ 26 và Hội nghị Hội đồng Bảo hiểm các nước ASEAN (AIC) lần thứ 49
từ ngày 05-08/12/2023 tại Hạ Long, Việt Nam. Đây là dịp để cơ quan bảo hiểm các
nước trong khu vực cùng nhau gặp mặt và trao đổi các vấn đề bảo hiểm trong khu
vực cũng như tìm các giải pháp cùng hợp tác phát triển.
- Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam
phối hợp với Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính tổ chức Lễ Kỷ niệm 30
năm Ngày Thị trường Bảo hiểm Việt Nam và kỷ niệm 24 năm thành lập Hiệp hội Bảo
hiểm Việt nam vào ngày 18/12/2023./.
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam