Hỗ trợ - Hotline +(84)43 9428 106

Ngành Bảo hiểm Việt Nam trong kỷ nguyên “Chuyển đổi số”

Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 được ban hành theo Quyết định số 07/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đặt ra mục tiêu cụ thể: Doanh thu ngành Bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 – 2025 là 15%/năm, đến năm 2025, quy mô đạt 3% – 3,3% GDP; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 – 2030 là 10%/năm, đến năm 2030 quy mô đạt 3,3% – 3,5% GDP. Tốc độ tăng trưởng doanh thu cung cấp sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng đạt bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2023 – 2030…

Ngành Bảo hiểm Việt Nam trong kỷ nguyên “Chuyển đổi số”

Đồng thời, Chiến lược cũng đề ra một trong những mục tiêu tổng quát là đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuận tiện nhất trong việc tham gia bảo hiểm. Khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm, chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm ngày càng tăng của các tổ chức và cá nhân. Nâng cao quản trị rủi ro, an toàn, an ninh mạng và giao dịch trên không gian mạng.

Điều này cho thấy sự ưu tiên của cơ quan quản lý dành cho việc áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, qua đó giúp thị trường phát triển bền vững, minh bạch, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra đến năm 2030.

Vậy ngành bảo hiểm đang chuyển đổi số như thế nào giữa “làn sóng thần” được hứa hẹn đã đang và tiếp tục thay đổi diện mạo nền kinh tế? 


95,5% doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường đầu tư công nghệ số

Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á với tốc độ lên tới 38%/năm. Từ tỷ trọng chỉ hơn 1% GDP vào năm 2015, kinh tế số đã vươn lên chiếm 5% GDP vào năm 2019 và được kỳ vọng sẽ chiếm tới 30% GDP vào năm 2030 (Theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019" do Google, Temasek và Bain công bố).

Kỳ vọng này là có cơ sở khi những năm qua, chuyển đổi số được thực hiện rộng khắp, ở nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực ngành nghề, từ công nghệ chế biến chế tạo tới nông nghiệp, thương mại, thanh toán, vận tải, tài chính và giáo dục. Đơn cử lĩnh vực thương mại, thương mại điện tử của Việt Nam đang tăng trưởng 35%/năm, nhanh hơn 2,5 lần so với Nhật Bản; doanh thu bán lẻ trực tuyến đạt 6,2 tỷ USD vào năm 2017, cao gấp đôi 2014; số người mua sắm trực tuyến tăng đều đặn qua các năm và đã vượt quá mốc 40 triệu người.

Đối với ngành Bảo hiểm, số liệu khảo sát cho thấy, năm 2024, có khoảng 95,5% doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện tăng cường đầu tư công nghệ số, trong đó, có đến 68,2% doanh nghiệp tăng cao đáng kể mức độ đầu tư vào chuyển đổi số.

Các doanh nghiệp bảo hiểm đều có chung đánh giá về tiềm năng phát triển thông qua khả năng khai thác các ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất như AI, máy học, Blockchain…

Theo các chuyên gia bảo hiểm, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã mang lại lợi ích đáng kể khi giúp doanh nghiệp mở rộng tập khách hàng tiềm năng, giảm đáng kể thời gian nghiên cứu sản phẩm mới, giảm chi phí nhân sự, cải thiện tốc độ giải quyết các yêu cầu của khách hàng. Hơn nữa, khi sử dụng AI sẽ tăng cường độ chính xác và minh bạch trong quá trình xử lý, giảm thiểu rủi ro gian lận và sai sót. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ chất lượng cao hơn và xây dựng niềm tin vững chắc với khách hàng.

Hay như sự xuất hiện của các nền tảng NC/LC cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm khai thác các lợi ích của điện toán đám mây (cloud computing) và microservice dễ dàng hơn, cho phép các doanh nghiệp này nhanh chóng mở rộng quy mô và tung ra các dịch vụ sản phẩm mới. Theo các chuyên gia, điều này cũng đồng nghĩa với việc góp phần giúp thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển bền vững, minh bạch hơn trong tương lai gần.

Thực tế cho thấy, việc áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh bảo hiểm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trọng việc đánh giá rủi ro, định phí bảo hiểm, quản lý bồi thường, quản trị doanh nghiệp, quản lý thông tin khách hàng…

 

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam: Nếu phải định nghĩa một cách hàn lâm, chuyển đổi số là quá trình nhằm mục đích cải thiện một thực thể, bằng cách tạo ra những thay đổi đáng kể đối với các thuộc tính của nó, thông qua sự kết hợp của công nghệ thông tin, máy tính, truyền thông và kết nối. Hiểu một cách đơn giản, chuyển đổi số là việc doanh nghiệp sử dụng công nghệ để tối ưu quy trình hiện tại của họ và tăng trải nghiệm của khách hàng nhằm duy trì tính cạnh tranh và phù hợp trong nền kinh tế mới lấy khách hàng làm trung tâm. Tuy nhiên, chuyển đổi số không chỉ đơn giản là cài đặt một phần mềm mới, hoặc chuyển sang sử dụng điện toán đám mây. Cốt lõi của chuyển đổi số là chuyển đổi mô hình kinh doanh - một công việc đòi hỏi cả về chuyên môn kinh doanh kết hợp với tất cả các yếu tố liên quan tới doanh nghiệp.

Chuyển đổi toàn diện, tối ưu hóa tiện ích khách hàng

Nắm bắt yêu cầu của thời đại 4.0, nhận thức được vai trò quan trọng của chuyển đổ số, từ lâu nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã từng bước đặt nền móng bằng những viên gạch đầu tiên, đến nay, quá trình chuyển đổi số đang dần từng bước được hoàn thiện.

 Đại diện Bảo hiểm Bảo Việt cho biết: Bảo Việt đã nhanh chóng áp dụng hàng loạt giải pháp ứng dụng công nghệ số trên toàn diện hệ thống, từ quản trị đến ứng dụng tiện ích tới khách hàng: cấp đơn triển khai giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, bồi thường… Trong 5 năm trở lại đây, Bảo hiểm Bảo Việt đã cho ra mắt nhiều sản phẩm Insurtech nhằm đáp ứng cao nhất các nhu cầu đa dạng của khách hàng, như ứng dụng Baoviet Direct - ứng dụng tích hợp quản lý bảo hiểm trên điện thoại đầu tiên tại thị trường Việt Nam dành cho khách hàng cá nhân. Baoviet Direct không chỉ giúp quản lý hợp đồng và quyền lợi, mà còn đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu bảo hiểm và bồi thường chỉ với vài lần chạm, cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác mọi lúc, mọi nơi. Bên cạnh đó, hàng loạt sản phẩm bảo hiểm số cũng được doanh nghiệp liên tục cho ra mắt như bảo hiểm du lịch, bảo hiểm thiết bị điện tử, bảo hiểm trễ chuyến bay, bảo hiểm dữ liệu và an ninh mạng…

Ngay từ năm 2023, Bảo hiểm Bảo Việt đã đón đầu việc áp dụng công nghệ AI trong việc triển khai tính năng Robo Assistant - tính năng tự động cảnh báo và đánh giá hồ sơ bồi thường. Từ đó, doanh nghiệp phục vụ khách hàng hiệu quả, kịp thời hơn nhờ giải pháp sử dụng thuật toán AI để kiểm tra tự động từng hồ sơ bồi thường theo các tiêu chí cảnh báo, phát hiện tự động và rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ bồi thường.


Bảo Việt – Thương hiệu luôn tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin.

Gần đây nhất, doanh nghiệp triển khai giao diện website mới phiên bản beta mang lại các tiện ích, giá trị đột phá tới khách hàng. Nội dung trên giao diện website beta được hiển thị linh hoạt theo nhu cầu khách hàng, tích hợp đầy đủ thông tin, hỗ trợ tra cứu, phản hồi nhanh chóng. Người dùng có thể dễ dàng đọc trước các điều khoản hợp đồng, theo dõi chương trình ưu đãi, nhận tư vấn 24/7, lựa chọn phương thức thanh toán linh hoạt, cập nhật tin tức và tìm kiếm điểm giao dịch gần nhất.

Với mũi nhọn đầu tư vào quá trình chuyển đổi số, Bảo hiểm Bảo Việt đã gặt hái thành quả bằng các giải thưởng quốc tế như Nhà bảo hiểm phi nhân thọ tốt nhất Việt Nam, Sáng kiến chuyển đổi bảo hiểm số tốt nhất Việt Nam... Các giải thưởng đã và đang khẳng định chất lượng dịch vụ, năng lực cạnh tranh, thích ứng của Bảo hiểm Bảo Việt trên thị trường bảo hiểm Việt Nam. 

Hay như Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Chubb Việt Nam – một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có 20 năm đồng hành cùng người Việt cũng đang đặt mục tiêu: Hướng tới chuyển đổi số toàn diện vì giá trị vượt trội cho khách hàng.

Chubb Life đã đầu tư mạnh vào kỹ thuật số nhằm mang đến trải nghiệm dịch vụ bảo hiểm số hiện đại cho khách hàng và nâng cao hiệu suất của đội ngũ. Điển hình là ứng dụng Chubb eConnect, khách hàng có thể truy cập các thông tin mới nhất liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, điều chỉnh thông tin, thanh toán phí bảo hiểm, nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi...

Bên cạnh đó, Chubb Life còn tối ưu hóa hệ sinh thái số bằng STP (Straight Through Processing - phát hành hợp đồng tự động xuyên suốt). Chỉ mất vài phút, hệ thống có thể hoàn tất kiểm tra hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và chuyển sang trạng thái "chờ phát hành". Hợp đồng được chuẩn bị ngay sau đó và phát hành cùng ngày. Thông qua chuyển đổi số, đơn vị tạo nền tảng để tiếp tục hành trình trở thành "đối tác tin cậy tại Việt Nam".

Để tăng hiệu quả chăm sóc khách hàng, Chubb Life mở rộng hệ thống kênh phân phối chiến lược. Đơn vị ra mắt chương trình chăm sóc khách hàng Chubb Privilege, mang đến nhiều đặc quyền riêng biệt và trải nghiệm mới cho người dùng.

"Chỉ khi rào cản tài chính được dỡ bỏ, chúng ta mới có thêm tự tin để đưa ra những quyết định đột phá, dám tạo nên những thay đổi khác biệt trong cuộc sống", Ông Nguyễn Hồng Sơn - Tổng giám đốc Chubb Life Việt Nam chia sẻ.

 

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Tổng giám đốc Chubb Life Việt Nam: "Chỉ khi rào cản tài chính được dỡ bỏ, chúng ta mới có thêm tự tin để đưa ra những quyết định đột phá,dám tạo nên những thay đổi khác biệt trong cuộc sống". 

Ông Trương Quốc Hiếu, Phó Tổng Giám Đốc Chubb Life Việt Nam chia sẻ: "Đổi mới sáng tạo và số hóa là hai yếu tố cốt lõi trong chiến lược phát triển của Chubb Life. Chúng tôi không ngừng đầu tư vào công nghệ tiên tiến để nâng cao trải nghiệm của khách hàng, mang đến sự thuận tiện, nhanh chóng và liền mạch trong mọi dịch vụ. Đồng thời, công nghệ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ đội ngũ kinh doanh, giúp họ tối ưu hóa hiệu suất làm việc và phục vụ khách hàng một cách chuyên nghiệp hơn. Hướng đến năm 2025 - cột mốc 20 năm của Chubb Life tại Việt Nam, chúng tôi cam kết tiếp tục thúc đẩy các giải pháp số hóa toàn diện, tạo giá trị vượt trội cho khách hàng, đội ngũ kinh doanh và cộng đồng."

 

Bốn giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, trong nhiều năm qua, nhận thức được vai trò hết sức quan trọng của công nghệ thông tin đối với ngành Bảo hiểm, cơ quan quản lý luôn khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp bảo hiểm nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn giúp thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển phù hợp xu thế Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Theo Bộ Tài chính, để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, cần tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ giải pháp đề ra trong Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030, cụ thể:

Một là, khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, ứng dụng trong tất cả các khâu của kinh doanh bảo hiểm, có biện pháp bảo vệ thông tin, bảo mật thông tin khách hàng.

Hai là, xây dựng khung thể chế thử nghiệm cho các dịch vụ công nghệ bảo hiểm (Insurtech) theo thông lệ tốt nhất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển các dịch vụ bảo hiểm số mới.

Ba là, thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin giữa doanh nghiệp bảo hiểm nhằm phòng chống gian lận bảo hiểm, hỗ trợ và tư vấn pháp lý, giải quyết khiếu nại; cơ chế chia sẻ thông tin giữa cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia.

Bốn là, thúc đẩy chuyển đổi số công tác quản lý và phát triển thị trường bảo hiểm, phát triển và sử dụng các nền tảng số để thúc đẩy phát triển và tối ưu hóa thị trường bảo hiểm. Ứng dụng các giải pháp công nghệ số, nền tảng số để giám sát, đo lường trực tuyến kết quả thực hiện các tiêu chí quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm đảm bảo minh bạch, chính xác, kịp thời.

Tác giả: Ngọc Châm - HHBHVN