Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản
Nghị định có hiệu lực từ ngày 25/8/2014, sau đây là một số nội dung chính của Nghị định.
1. Đối tượng áp dụng
- Tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động thủy sản.
- Chủ tàu đặt hàng đóng mới tàu, nâng cấp tàu
(thay máy mới; gia cố bọc vỏ thép; bọc vỏ vật liệu mới; mua ngư lưới cụ, trang
thiết bị hàng hải; trang thiết bị bảo quản hải sản, bốc xếp hàng hóa) phục vụ
hoạt động khai thác hải sản.
- Tổ chức, cá nhân thực hiện dự án đầu tư cơ
sở hạ tầng phục vụ hoạt động thủy sản.
2. Chính sách bảo hiểm
Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm
cho các tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ
là thành viên tổ đội, hợp tác xã khai thác hải sản và có tổng công suất máy
chính từ 90CV trở lên:
- Hỗ trợ hàng năm 100% kinh phí mua bảo hiểm
tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu.
- Hỗ trợ hàng năm kinh phí mua bảo hiểm thân
tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên mỗi tàu (bảo hiểm mọi rủi ro) với mức:
+ 70% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng
công suất máy chính từ 90CV đến dưới 400CV.
+ 90% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng
công suất máy chính từ 400CV trở lên.
3. Một số chính sách khác
- Hỗ trợ 100% chi phí đào tạo hướng dẫn thuyền
viên vận hành tàu vỏ thép, tàu vỏ vật liệu mới; hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo
quản sản phẩm theo công nghệ mới đối với tàu từ 400CV trở lên.
- Hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa từ đất
liền ra tàu khai thác hải sản xa bờ và vận chuyển sản phẩm hải sản về đất liền
cho các tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ từ 400CV trở lên. Mức hỗ trợ
40 triệu đồng/chuyến biển đối với tàu từ 400CV đến 800CV; từ 60 triệu đồng/chuyến
biển đối với tàu từ 800CV trở lên; hỗ trợ tối đa 10 chuyến biển/năm.
- Hỗ trợ 100% chi phí các thiết kế mẫu tàu vỏ
thép khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ đối với tàu
từ 400CV trở lên.
- Hỗ trợ 100% chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ
nhưng không quá 1% giá trị đóng mới tàu vỏ thép từ 400CV trở lên theo định mức
kinh tế kỹ thuật duy tu, sửa chữa định kỳ do Bộ NN&PTNT hướng dẫn.
4. Nguồn vốn và cơ chế thực hiện chính sách
- Ngân sách trung ương thực hiện cấp bù lãi
suất cho các ngân hàng thương mại cho vay để đóng mới, nâng cấp tàu khai thác
và tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ; đảm bảo kinh phí thiết kế mẫu
tàu; hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo hướng dẫn thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, vỏ
vật liệu mới hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản theo công nghệ mới cho các
địa phương đối với tàu từ 400CV trở lên.
- Đối với chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ;
chi phí vận chuyển hàng hóa từ đất liền ra tàu khai thác hải sản xa bờ và vận
chuyển sản phẩm hải sản khai thác xa bờ về đất liền cho các tàu dịch vụ hậu cần
khai thác hải sản xa bờ từ 400CV trở lên và chính sách bảo hiểm: Ngân sách
trung ương hỗ trợ 100% kinh phí đối với các địa phương chưa tự cân đối được
ngân sách và tỉnh Quảng Ngãi; ngân sách trung ương hỗ trợ 50% kinh phí đối với
các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung
ương dưới 50%; các địa phương còn lại sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện.
5. Trách nhiệm của Bộ Tài chính: Bố trí ngân sách thực hiện các chính sách quy định; Hướng dẫn cơ chế cấp bù lãi suất thực hiện chính sách tín dụng; Hướng dẫn tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm.
6. Quyền hạn và trách nhiệm của chủ tàu
- Được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước
theo quy định.
- Tự quyết định việc vay vốn, lựa chọn mẫu
tàu, máy móc trang thiết bị, ngư lưới cụ, cơ sở đóng tàu để đầu tư đóng mới,
nâng cấp tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ.
- Hoàn trả vốn vay và lãi vay để đóng mới tàu
khai thác hải sản và tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ theo đúng quy
định của pháp luật.
- Quyết định mức và thời hạn vay thấp hơn quy
định và được quyền trả nợ trước hạn.