Hỗ trợ - Hotline +(84)43 9428 106

Ngành bảo hiểm - “tấm lá chắn” vững chắc cho nền kinh tế - xã hội

Ngành bảo hiểm tiếp tục là “tấm lá chắn” vững chắc cho nền kinh tế - xã hội. Hàng năm, ngành bảo hiểm chi trả hàng chục nghìn tỷ đồng tiền bồi thường và quyền lợi bảo hiểm cho các cá nhân, doanh nghiệp gặp rủi ro, góp phần ổn định ngân sách nhà nước.

Ngành bảo hiểm - “tấm lá chắn” vững chắc cho nền kinh tế - xã hội Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm Bộ Tài chính phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Tối 16/12,  Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm nhân Ngày Thị trường Bảo hiểm Việt Nam (18/12/1993 – 18/12/2022). Tham dự lễ kỷ niệm có đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan và các lãnh đạo đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Xuân Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết: “Được thành lập từ năm 1999, trong 23 năm qua (1999 - 2022), Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (HHBHVN) luôn là ngôi nhà chung đoàn kết, tin cậy và là cầu nối giữa doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) và cơ quan quản lý nhà nước, giữa DNBH và khách hàng. Trong những tháng đầu của năm 2022, nền kinh tế xã hội của Việt Nam nói chung và thị trường bảo hiểm Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trước tác động của dịch bệnh COVID-19. Nhưng với sự quan tâm chỉ đạo và tháo gỡ khó khăn của các cơ quan quản lý cùng với sự cố gắng nỗ lực của các Hội viên HHBHVN, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan”.

Theo ông Nguyễn Xuân Việt, năm 2022, thị trường bảo hiểm đã có 78 doanh nghiệp bao gồm 31 DNBH phi nhân thọ, 02 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 19 doanh nghiệp nhân thọ, 26 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Các doanh nghiệp bảo hiểm đa số đều là hội viên chính thức của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và ngoài ra Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam có 23 hội viên liên kết.

Tính đến hết 12/12/2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 251.306 tỷ đồng (tăng 15,09% so với cùng kỳ năm 2021). Doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 68.201 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 183.105 tỷ đồng.

Ngành bảo hiểm tiếp tục là “tấm lá chắn” vững chắc cho nền kinh tế - xã hội. Hàng năm, ngành bảo hiểm chi trả hàng chục nghìn tỷ đồng tiền bồi thường và quyền lợi bảo hiểm cho các cá nhân, doanh nghiệp gặp rủi ro, góp phần ổn định ngân sách nhà nước. Chi trả quyền lợi bảo hiểm tính đến ngày 12/12/2022 ước đạt 64.018 tỷ đồng (tăng 23,29% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó các DNBH phi nhân thọ ước đạt 23.418 tỷ đồng, các DNBH nhân thọ ước đạt 40.600 tỷ đồng.

Ngành BH tiếp tục là kênh huy động vốn trung và dài hạn đầu tư trở lại nền kinh tế, tạo công ăn việc làm cho hơn một triệu người lao động (bao gồm cán bộ nhân viên và đại lý bảo hiểm), góp phần ổn định an sinh xã hội.

Tới dự lễ kỷ niệm, ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm Bộ Tài chính cho biết, trong năm qua, vượt lên những khó khăn, thách thức chung của nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp bảo hiểm đã linh hoạt và chủ động thích ứng để có thể phát triển ổn định. Vì vậy, thị trường bảo hiểm Việt Nam trong năm 2022 vẫn giữ được mức tăng trưởng khá. Các chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm, tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng xấp xỉ 15%, đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 12,5%. Đây là những con số ấn tượng trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tích cực nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng phạm vi, địa bàn hoạt động. Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cũng đã phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong công tác xây dựng chính sách trong lĩnh vực bảo hiểm.

Cũng theo ông Trung, mới đây, Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022, trong đó, có nhiều thay đổi so với Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, phù hợp hơn với xu thế phát triển của thị trường và tiến gần hơn với chuẩn mực quốc tế. Hiện nay, Bộ Tài chính đang khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm mới để có thể bắt đầu áp dụng từ ngày 01/01/2023. Ông Trung hy vọng, đây sẽ là nền tảng pháp lý hỗ trợ cho sự phát triển hơn nữa của các doanh nghiệp bảo hiểm trong thời gian tới.

Nghị định 100CP ngày 18/12/1993 của Thủ tướng Chính phủ về kinh doanh bảo hiểm ra đời là một dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam. Nghị định đã tạo ra khung khổ pháp lý đầu tiên cho việc hình thành thị trường bảo hiểm Việt Nam đa dạng với các chủ đầu tư tham gia thị trường thuộc mọi thành phần kinh tế, mở rộng nội dung, phạm vi hoạt động kinh doanh bảo hiểm, xác định vị trí và vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm.

Có thể thấy, vượt qua những khó khăn, thách thức, thị trường Bảo hiểm Việt Nam năm 2022 đã có những bước tiến mới, hiệu quả và bền vững hơn. Theo HHBHVN, năm 2023, sẽ tiếp tục là năm để nền kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung phục hồi và phát triển sau đại dịch, do vậy cũng mở ra nhiều cơ hội và thách thức mới đối với các doanh nghiệp bảo hiểm.

Một số hình ảnh tại Lễ kỷ niệm:

Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam - Ông Nguyễn Xuân Việt phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày thị trường Bảo hiểm Việt Nam.