Một số quan sát về mùa tái tục 1/1/2023 tại thị trường Việt Nam
Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường bảo hiểm thế giới đã trải qua một mùa tái tục hết sức khó khăn do tình hình tổn thất thiên tai diễn biến xấu (trong đó cơn bão Ian được ghi nhận là sự kiện gây ra tổn thất thiên tai lớn thứ 2 trong lịch sử sau cơn bão Katrina), ảnh hưởng tiêu cực của cuộc xung đột Nga-Ukraina, tình hình lạm phát gia tăng, nguy cơ từ các rủi ro thiên tai thứ phát (secondary perils)…
Việc điều chỉnh tăng phí đối với các hợp đồng phi tỷ lệ,
điều chỉnh giảm năng lực (capacity), hoa hồng, và đặc biệt là giới hạn trách
nhiệm trên một sự kiện tổn thất (event limit) đối với các hợp đồng tỷ lệ được
các nhà đứng đầu nhận tái bảo hiểm áp dụng nhất quán khi cung cấp các bản chào
phí. Với tình hình trên, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam cũng đã gặp rất nhiều
khó khăn trong việc thương lượng các hợp đồng tái bảo hiểm 2023.
Mùa tái tục trắc trở nhất từ trước đến nay
Với thực
tế một số hợp đồng tái bảo hiểm tỷ lệ mảng Tài sản, Thân tàu trên thị trường vẫn
đang có kết quả chưa khả quan do tổn thất diễn biến xấu cùng với tình hình cạnh
tranh phí khốc liệt của bảo hiểm Kỹ thuật, Hàng hóa, … việc tìm nhà tái bảo hiểm
đứng đầu và thu xếp tái bảo hiểm thực sự khó khăn trong mùa tái tục này do nhiều
công ty tái bảo hiểm quốc tế ra chính sách dừng hoặc hạn chế việc cung cấp năng
lực cho các hợp đồng tỷ lệ, xu hướng “hardening market” đã chính thức chuyển
sang “hard market”.
Năng lực
tái bảo hiểm được tiếp tục thắt chặt buộc các doanh nghiệp bảo hiểm phải tăng mức
giữ lại do nhiều hợp đồng đang khá mất cân bằng về mức trách nhiệm so với doanh
thu phí đạt được. Đối với các hợp đồng đang có lãi, việc tăng hoa hồng gần như
không khả thi và tương tự, việc giảm hoa hồng là tất yếu với các hợp đồng có kết
quả xấu. Giới hạn trách nhiệm cho sự kiện (event limit) cũng bị điều chỉnh giảm
nhằm giảm áp lực cho các nhà tái bảo hiểm với việc cấp vốn cho các rủi ro thiên
tai và phản ánh đúng thực tế mức độ tích tụ của danh mục rủi ro của các công ty
tại Việt Nam.
Một vấn
đề nổi cộm ở thị trường Việt Nam trong nhiều năm gần đây là tình trạng đồng bảo
hiểm giữa nhiều công ty để tận dụng năng lực hợp đồng cố định khiến cho việc kiểm
soát tích tụ của các công ty tái bảo hiểm tham gia vào nhiều hợp đồng trên thị
trường khá phức tạp. Đây cũng là một vấn đề được các nhà tái bảo hiểm đưa vào
xem xét và điều chỉnh khi cung cấp bản chào cho các hợp đồng tỷ lệ.
Các hợp
đồng phi tỷ lệ được định giá lại theo hướng tăng để phản ánh yếu tố lạm phát,
biến đổi khí hậu, đảm bảo yêu cầu cải thiện lợi nhuận hợp đồng (margin). Giống
như yêu cầu tăng mức giữ lại của các công ty bảo hiểm trong các hợp đồng tỷ lệ,
các nhà tái yêu cầu tăng mức tự chịu của hợp đồng phi tỷ lệ để phản ánh đúng mức
độ rủi ro của thị trường và xu hướng tổn thất trong các năm gần đây. Năng lực hợp
đồng cung cấp cho rủi ro thiên tai bị giảm, và không loại trừ khả năng nhiều
nhà tái bảo hiểm không tham gia vào các phần bảo hiểm liên quan đến thiên tai.
Ngoài
các điều khoản loại trừ tiêu chuẩn về bệnh truyền nhiễm và rủi ro an ninh mạng
đã được áp dụng từ mùa tái tục trước, năm nay điều khoản về cấm vận (sanction)
mới liên quan đến các cấm vận về kinh tế, giao thương liên quan đến xung đột
Nga – Ukraina được đưa vào các hợp đồng.
Đánh giá của Gallagher Re về mùa tái tục
tháng 1 năm 2023
Theo
đánh giá của công ty môi giới tái bảo hiểm Gallagher Re, mùa tái tục tái ngày
01 tháng 01 vừa qua là phức tạp và trong nhiều trường hợp là đáng thất vọng vì
các cuộc đàm phán căng thẳng diễn ra “tới phút cuối cùng” và các công ty tái bảo
hiểm đã hạn chế năng lực tái bảo hiểm cũng như thúc đẩy các điều khoản chặt chẽ
với mức phí cao.
Báo
cáo tái tục tái bảo hiểm tháng 1 của Gallagher Re lưu ý hai lĩnh vực hạn chế nhất
là năng lực tái bảo hiểm rủi ro thảm họa tài sản ở Mỹ và phạm vi bảo hiểm cho
các rủi ro đình công, bạo loạn & bạo động dân sự và chiến tranh.
Trong
hầu hết các loại hình bảo hiểm và khu vực khác, các nhà phân tích cho biết người
mua phần lớn có thể tìm được năng lực tái bảo hiểm, mặc dù với chi phí cao hơn
và trong nhiều trường hợp đã phải thay đổi cấu trúc tái bảo hiểm bằng cách tăng
mức giữ lại tự bồi thường và tăng “mức sàn” đối với tỷ lệ phí tối thiểu tính
trên hạn mức trách nhiệm, một trọng tâm chính của nhiều công ty tái bảo hiểm.
Các xu
hướng chính bao gồm sự bất đồng ý kiến giữa các công ty tái bảo hiểm sẵn sàng
cung cấp các điều khoản và năng lực tái bảo hiểm với vai trò là người đứng đầu
nhận tái bảo hiểm và các công ty tái bảo hiểm khác chờ xác nhận tỷ lệ tham gia
chính thức trong nỗ lực điều chỉnh các điều khoản vào phút cuối.
Các
khách hàng có mối quan hệ giao dịch rộng rãi cũng tạo điều kiện thuận lợi cho
các cuộc đàm phán với một số công ty tái bảo hiểm, giúp đạt được mức phí phù hợp
và/hoặc tăng năng lực tái bảo hiểm.
“Quá
trình tái tục đã gây mệt mỏi cho những người tham gia thị trường, nhiều người
trong số họ chưa từng phải đối mặt với sự thay đổi nhanh chóng về điều kiện thị
trường trong mùa tái tục,” ông James Kent, Tổng Giám đốc điều hành toàn cầu của
Gallagher Re cho biết.
Tuy
nhiên, những cải thiện về phương pháp định phí và các điều kiện, đặc biệt là đối
với loại hình bảo hiểm liên quan đến rủi ro thảm họa tài sản đã giúp thị trường
có một số nguồn vốn mới.
Các hợp
đồng vượt mức bồi thường (XOL) phải chấp nhận tăng phí mạnh 15% - 20%, hầu hết
các hợp đồng tỷ lệ phải giảm năng lực (capacity), giảm giới hạn trách nhiệm
trên một sự kiện tổn thất (event limit), hoa hồng tái bảo hiểm, một số phải chấp
nhận cơ chế hoa hồng theo kết quả hợp đồng (Sliding Scale Commission).
Hơn nữa,
ngoại trừ loại hình bảo hiểm tài sản, thị trường tái bảo hiểm trách nhiệm cố định
được coi là êm đềm hơn và hợp lý hơn so với các loại hình bảo hiểm khác, với việc
hoàn thành tái tục theo các điều khoản được hầu hết người mua coi là chặt chẽ
nhưng công bằng./.
Theo VNR