Hỗ trợ - Hotline +(84)43 9428 106

Tổng quan Thị trường Bảo hiểm Việt Nam 6 tháng năm 2016

I - THỊ TRƯỜNG BẢO HIỂM PHI NHÂN THỌ

Sáu tháng đầu năm, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nhìn chung là khả quan, tổng doanh thu thị trường bảo hiểm PNT đạt 17.662 tỷ đồng tăng trưởng 15,22% so với cùng kỳ năm trước, thị trường vẫn duy trì đà tăng trưởng ở mức được kỳ vọng. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 73/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 qua đó hoàn thiện hơn chế độ quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp bảo hiểm.

Dẫn đầu doanh thu là PVI 3.628 tỷ đồng, tăng trưởng 8,5%; Bảo Việt với doanh thu 2.985 tỷ đồng, tăng trưởng 6,9%; PTI 1.470 tỷ đồng, tăng trưởng 33%; Bảo Minh 1.395 tỷ đồng, tăng trưởng 5,5%; PJICO 1.193 tỷ đồng, tăng trưởng 9%.Doanh nghiệp có mức tăng trưởng doanh thu cao: Cathay 91%, UIC 66%, BHV 63%, VASS 61%.

Tỷ lệ bồi thường (chưa kể dự phòng bồi thường cho tổn thất đã xảy ra) bình quân ở mức 30%, giảm mạnh so với năm 2015 (45%) do không có sự kiện bảo hiểm nào quá lớn xảy ra trong 6 tháng đầu năm. Các doanh nghiệp trích lập dự phòng bồi thường 4.269 tỷ đồng. Nếu kể cả dự phòng bồi thường thì tỷ lệ phải bồi thường là 54%.

Bảo hiểm xe cơ giới dẫn đầu các nghiệp vụ với doanh thu 5.842 tỷ đồng, tăng trưởng 23,7%, bồi thường 2.388 tỷ đồng, dự phòng bồi thường 1.547 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường là 67,3%. Hiện Hiệp hội cùng các doanh nghiệp cũng đang nghiên cứu để trình Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm vật chất xe ô tô cho phù hợp hơn.

Bảo hiểm sức khỏe đạt doanh thu 4.246 tỷ đồng, tăng trưởng 30,8%, mức tăng này không chỉ do các doanh nghiệp có thị phần lớn quyết định mà lại được đóng góp bởi một số doanh nghiệp khác như UIC doanh thu tăng từ 18 tỷ lên 91 tỷ, BHV từ 33 tỷ lên 53 tỷ, Toàn Cầu từ 15 tỷ lên 197 tỷ, VASS từ 418 tỷ lên 732 tỷ. Nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe có tỷ lệ bồi thường là  45%. Hiện các thành viên trong Tổ nghiên cứu đang xây dựng và sắp hoàn thiện quy tắc điều khoản mẫu bảo hiểm sức khỏe để các doanh nghiệp thuận tiện hơn trong việc đăng ký phê chuẩn sản phẩm.

Bảo hiểm tài sản thiệt hại có doanh thu 2.882 tỷ đồng giảm 7,7%, tuy doanh thu giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng số bồi thường chỉ là 431 tỷ đồng, dự phòng bồi thường 803 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường là 42,8% cho thấy 6 tháng đầu năm tình hình tổn thất tài sản là không cao. Hiện Bộ Tài chính chuẩn bị ban hành Thông tư hướng dẫn bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, các doanh nghiệp sau đó sẽ triển khai theo nội dung được hướng dẫn.

Bảo hiểm cháy nổ và mọi rủi ro doanh thu 1.481 tỷ đồng tăng 20,8%, đã bồi thường 454 tỷ đồng, dự phòng bồi thường 482 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường là 63,2% so với tỷ lệ bồi thường của 6 tháng năm 2015 là 117% cho thấy tình hình cháy nổ đã được kiểm soát tốt hơn. Bộ Tài chính đang có chủ trương sửa đổi bổ sung Thông tư 220 về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình triển khai.

Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển doanh thu 1.058 tỷ đồng giảm 8%, đã bồi thường 256 tỷ đồng, dự phòng bồi thường 286 tỷ, tỷ lệ bồi thường là 51,2%.

Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu doanh thu 1.168 tỷ đồng tăng 13%, đã bồi thường 310 tỷ đồng, dự phòng bồi thường 498 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường là 69,1%, tỷ lệ bồi thường này cũng tốt hơn rất nhiều so với tỷ lệ 94% của cùng kỳ năm trước.

Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam đang tiến hành thuê chuyên gia để dịch, hiệu đính các bộ quy tắc, điều khoản bảo hiểm tài sản, hàng hóa và tàu thủy để các doanh nghiệp tham khảo sử dụng, đồng thời cũng làm cơ sở để tòa án, trọng tài giải quyết tranh chấp, tránh những cách hiểu khác nhau gây bất lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm khi có tranh chấp xảy ra.

Các nghiệp vụ bảo hiểm khác gồm bảo hiểm trách nhiệm đạt 393 tỷ đồng tăng 17,9%, bảo hiểm hàng không 389 tỷ đồng tăng 20%, bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính 61 tỷ đồng giảm 11%, bảo hiểm thiệt hại kinh doanh 99 tỷ đồng tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.

II - THỊ TRƯỜNG BẢO HIỂM NHÂN THỌ

Trong 6 tháng đầu năm 2016, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tập trung phản ánh các khó khăn, vướng mắc và đưa ra các góp ý, kiến nghị đối với các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Cụ thể, các doanh nghiệp đã thành công trong việc kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy định của Quyết định 35/2015/QĐ-TTg về việc sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cũng nằm trong danh mục các loại hình hàng hóa thiết yếu phải đăng ký hợp đồng giao dịch mẫu, điều kiện giao dịch chung theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Đến nay, vấn đề đã được giải quyết theo quy định tại khoản 3 điều 40 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP, trong đó việc xử lý đăng ký hợp đồng mẫu của bảo hiểm nhân thọ sẽ được thực hiện thông qua cơ chế 1 cửa tại Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho việc đề nghị phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm từ Bộ Tài chính cũng như đăng ký sản phẩm bảo hiểm với Bộ Công thương, các doanh nghiệp đã cùng nhau đóng góp ý kiến cho việc xây dựng nội dung Quy tắc, điều khoản, biểu phí thống nhất đối với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ truyền thống, bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm sức khỏe. Ngoài ra, các doanh nghiệp đã cùng nhau đóng góp ý kiến đối với nội dung Dự thảo Nghị định 73/2016/NĐ-CP và được tiếp thu, từ đó giải quyết được khó khăn của doanh nghiệp về  điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, …

Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vẫn tiếp tục duy trì tốt chế độ hợp tác, tự quản trong Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam thông qua dự án chương trình tuyên truyền chung cho ngành bảo hiểm nhân thọ với tổng kinh phí không vượt quá 2, 2 tỷ đồng. Mục tiêu của chương trình tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về những ý nghĩa, tác dụng của bảo hiểm nhân thọ đối với đời sống mỗi hộ gia đình, an sinh xã hội, cũng như đối với nền kinh tế xã hội.

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã xây dựng và chuẩn bị ban hành Bộ Tiêu chuẩn đạo đức dành cho đại lý bảo hiểm nhân thọ và Quy chế chung trong quản lý nhân viên tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia tư vấn/bán bảo hiểm với sự nhất trí cao của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Hai văn bản nói trên đặt ra các chuẩn mực trong đạo đức và ứng xử của người đại lý bảo hiểm nhân thọ, từ đó nâng cao tính chuyên nghiệp của người đại lý bảo hiểm nhân thọ, đồng thời cũng định hướng nhận thức của xã hội đối với nghề đại lý bảo hiểm như một nghề nghiệp ổn định và đáng được tôn trọng.

Với sự hợp tác, đoàn kết tốt cũng như tính tuân thủ rất cao của khối các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 6 tháng đầu năm 2016, thị trường bảo hiểm nhân thọ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao ở mức 31,6% với tổng doanh thu 21.532 tỉ đồng; tổng dự phòng nghiệp vụ khoảng 111.309 tỉ đồng; tổng vốn đầu tư vào nền kinh tế 136.864 tỉ đồng.

1. Số lượng hợp đồng bảo hiểm:

 

Số lượng hợp đồng khai thác mới trong 06 tháng đầu năm 2016 đạt 653.458 hợp đồng (sản phẩm chính), tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, có 649.125 hợp đồng cá nhân (tăng 12,3%) và 4.333 hợp đồng nhóm (tăng 1.297%) với chủ yếu là các sản phẩm bảo hiểm hưu trí (chiếm 95%).

Số lượng hợp đồng khôi phục hiệu lực (sản phẩm chính) trong 6 tháng đầu năm là 40.863 hợp đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng hợp đồng hết hiệu lực trong kỳ là 392.447 hợp đồng tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số lượng hợp đồng có hiệu lực cuối kỳ (sản phẩm chính) là 5.910.744 hợp đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp có số lượng hợp đồng có hiệu lực lớn nhất bao gồm Bảo Việt (1.702.739 hợp đồng), Prudential (1.692.523 hợp đồng), và Manulife (638.319 hợp đồng).

Về cơ cấu số lượng hợp đồng theo sản phẩm: nhóm 3 sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp (60,1%), bảo hiểm đầu tư (31,2%) và bảo hiểm tử kỳ (7,1%) vẫn là những sản phẩm được ưa chuộng và chiếm tỉ trọng cao nhất.

2.    Số tiền bảo hiểm:

Tổng mức trách nhiệm mà các DNBH Nhân thọ đang nắm giữ là 1.457 nghìn tỉ đồng tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, mức trách nhiệm của các sản phẩm chính đạt 977 nghìn tỉ đồng (tăng 35,5%), mức trách nhiệm của các sản phẩm phụ đạt 481 nghìn tỉ đồng (tăng 40%). Tổng mức trách nhiệm của các sản phẩm bảo hiểm cá nhân đạt 1.423 nghìn tỉ đồng (tăng 37%) và các sản phẩm bảo hiểm nhóm đạt 34 nghìn tỉ đồng (tăng 40%).

Các doanh nghiệp có tổng mức trách nhiệm cao trên thị trường bảo hiểm là: Prudential 328 nghìn tỉ, Dai-ichi life là 254 nghìn tỉ và Bảo Việt Nhân thọ là 236 nghìn tỉ đồng.

3. Phí bảo hiểm:

Phí bảo hiểm định kỳ năm đầu trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 7.191 tỉ đồng tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước, phí bảo hiểm đóng một lần là 174 tỉ đồng giảm 9%.

Tổng phí khai thác mới trong 6 tháng đầu năm đạt 7.365 tỉ đồng tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Dẫn đầu về phí bảo hiểm khai thác mới là Bảo Việt Nhân thọ là 1.561 tỉ đồng, Prudential với 1.477 tỉ đồng và Manulife là 995 tỉ đồng.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường là 21.532 tỉ đồng, tăng 31,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, sản phẩm bảo hiểm cá nhân đạt 21.352 tỉ đồng (tăng 31,6%) và sản phẩm bảo hiểm nhóm đạt 180 tỉ đồng (tăng 35%).

Các doanh nghiệp chiếm thị phần tổng doanh thu lớn trên thị trường bao gồm Bảo Việt Nhân thọ (6.080 tỉ đồng), Prudential (5.717 tỉ đồng), Manulife (2.611 tỉ đồng), Dai-ichi Life (2.083 tỉ đồng) và AIA (1.980 tỉ đồng).

4. Trả tiền bảo hiểm:

Trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng số chi trả quyền lợi bảo hiểm đạt 6.157 tỉ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số trả tiền bảo hiểm là 4.184 tỉ đồng, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Prudential với 1.613 tỉ đồng, Bảo Việt Nhân thọ với 1.550 tỉ đồng và Manulife với 279 tỉ đồng.

Tổng số trả giá trị hoàn lại là 1.093 tỉ đồng, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, Prudential là doanh nghiệp có giá trị hoàn lại cao nhất thị trường với 469 tỉ đồng, tiếp theo là Bảo Việt Nhân thọ với 199 tỉ đồng và Manulife với 174 tỉ đồng.

Tổng số lãi chia cho người thụ hưởng là 880 tỉ đồng, tăng 33,6%, trong đó, Prudential trả 517 tỉ đồng, Manulife trả 172 tỉ đồng và Bảo Việt Nhân thọ trả 171 tỉ đồng.

5. Số lượng đại lý bảo hiểm

Số lượng đại lý mới tuyển dụng trong 6 tháng đầu năm 2016 là 112.769 người giảm 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái, các doanh nghiệp bảo hiểm có số lượng đại lý mới tuyển dụng nhiều nhất thị trường theo thứ tự là: Prudential (25.483 đại lý), Bảo Việt Nhân thọ (21.405 đại lý) và Dai-ichi (17.858 đại lý).

Tính đến hết tháng 6 tháng năm 2016, tổng số lượng đại lý có mặt trên thị trường tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước với 437.738 đại lý. Các doanh nghiệp có số lượng đại lý cao nhất là Prudential 181.808 người, Bảo Việt Nhân thọ là 94.129 người và Dai-ichi life 53.811 người.

Trong khi số lượng đại lý mới tuyển dụng giảm 5,9%, số lượng đại lý có mặt đến cuối kỳ tăng 29,5% cho thấy số lượng đại lý nghỉ việc, bỏ việc đã giảm đi đáng kể.

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam