Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2022
Quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công, Doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phải ký quỹ 2 tỷ đồng, Quy định chi tiết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, ... là các chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2022.
Quy
định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công
Nghị định 99/2021/NĐ-CP ban
hành ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán
dự án sử dụng vốn đầu tư công có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Nghị định này quy định chi tiết
về quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công cho dự án, công trình, nhiệm
vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.
Trích dẫn không đúng nguồn
thông tin thống kê sẽ bị phạt đến 1 triệu đồng
Có hiệu lực từ ngày
01/01/2022, Nghị định 100/2021/NĐ-CP ban hành ngày 15/11/2021 sửa đổi, bổ sung
một số điều của Nghị định số 95/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định
về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê.
Trong đó, Nghị định bổ sung
Khoản 1a vào sau Khoản 1 Điều 13: Phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng đối với
hành vi trích dẫn không đúng nguồn thông tin thống kê khi phổ biến, đăng tải
trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các ấn phẩm.
Doanh
nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phải ký quỹ 2 tỷ đồng
Theo Nghị định số
112/2021/NĐ-CP ban hành ngày 10/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số
điều và biện pháp thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước
ngoài theo hợp đồng có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động
dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
(doanh nghiệp dịch vụ) phải thực hiện ký quỹ 2 tỷ đồng tại một ngân hàng, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Đối với doanh nghiệp dịch vụ
giao nhiệm vụ cho chi nhánh thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt
Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải ký quỹ thêm 500 triệu đồng đối
với mỗi chi nhánh được giao nhiệm vụ.
Quy
định chi tiết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính
Nghị định số 118/2021/NĐ-CP
ban hành ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện
pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Nghị định số 118/2021/NĐ-CP
quy định về: Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính; quy định về vi phạm hành
chính và xử phạt vi phạm hành chính; áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành
chính và quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
Theo quy định, việc quy định
hành vi vi phạm hành chính phải bảo đảm các yêu cầu sau: Có vi phạm các quy định
về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của pháp luật về trật tự quản lý hành chính
trong các lĩnh vực quản lý nhà nước; đáp ứng yêu cầu bảo đảm trật tự quản lý
hành chính nhà nước; hành vi vi phạm hành chính phải được mô tả rõ ràng, đầy đủ,
cụ thể để có thể xác định và xử phạt được trong thực tiễn.
Hình thức xử phạt, mức xử phạt
được quy định đối với từng hành vi vi phạm hành chính và phải căn cứ vào các yếu
tố sau: Tính chất, mức độ xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước của hành
vi vi phạm; đối với hành vi vi phạm không nghiêm trọng, có tính chất đơn giản,
thì phải quy định hình thức xử phạt cảnh cáo; mức thu nhập, mức sống trung bình
của người dân trong từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; mức
độ giáo dục, răn đe và tính hợp lý, tính khả thi của việc áp dụng hình thức, mức
phạt.
Vi
phạm hành chính trong lĩnh vực quy hoạch bị phạt tới 500 triệu đồng
Có hiệu lực từ ngày
01/01/2022, Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ban hành ngày 28/12/2021 của Chính phủ
quy định mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực
đầu tư và đấu thầu là 300 triệu đồng; lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp là 100 triệu
đồng và lĩnh vực quy hoạch là 500 triệu đồng.
Phạt tiền từ 10-12 triệu đồng
đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi đón, trả khách trên đường cao tốc.
Phạt nặng người điều khiển xe
ô tô đón trả khách trên đường cao tốc
Có hiệu lực từ ngày
01/01/2022, Nghị định 123/2021/NĐ-CP ban hành ngày 28/12/2021 sửa đổi, bổ sung,
bãi bỏ một số điều của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 31/12/2019 của Chính phủ
quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường
sắt.
Trong đó, Nghị định bổ sung
Khoản 7a vào sau Khoản 7 Điều 23 xử phạt người điều khiển ô tô chở hành khách,
ô tô chở người và các loại xe tương tự ô tô chở khách, chở người vi phạm quy định
về vận tải đường bộ như sau: Phạt tiền từ 10-12 triệu đồng đối với người điều
khiển xe thực hiện hành vi đón, trả khách trên đường cao tốc.
Bổ sung Khoản 8a vào sau Khoản
8 Điều 24 xử phạt người điều khiển ô tô tải, máy kéo (bao gồm cả rơ moóc hoặc
sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự ô tô vận chuyển hàng hóa
vi phạm quy định về vận tải đường bộ. Cụ thể, phạt tiền từ 10-12 triệu đồng đối
với người điều khiển xe thực hiện hành vi nhận, trả hàng trên đường cao tốc.
Vi phạm quy định về quản lý
giá trang thiết bị y tế sẽ bị phạt đến 20 triệu đồng
Có hiệu lực từ ngày
01/01/2022, Nghị định 124/2021/NĐ-CP ban hành ngày 28/12/2021 sửa đổi, bổ sung
một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định
xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP
ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
y tế.
Trong đó, Nghị định
124/2021/NĐ-CP bổ sung Điều 78a vi phạm quy định về quản lý giá trang thiết bị
y tế vào sau Điều 78 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP. Cụ thể, phạt tiền từ 15-20
triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không thực hiện việc kê khai giá
trang thiết bị y tế trước khi lưu hành tại Việt Nam; mua bán trang thiết bị y tế
khi chưa có giá kê khai hoặc mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng thông tin điện
tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán.
Phân
biệt đối xử về giới trong lao động bị phạt tới 30 triệu đồng
Nghị định số 125/2021/NĐ-CP
ban hành ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực bình đẳng giới có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Trong đó, Nghị định quy định,
mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình
đẳng giới đối với cá nhân là 30 triệu đồng.
Tiếp tục giảm 37 khoản phí, lệ
phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp
Thông tư số 120/2021/TT-BTC
quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối
tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thời gian thực hiện từ 1/1-30/6/2022.
Theo đó, có 37 khoản phí, lệ
phí được giảm với mức giảm từ 10-50% so với quy định hiện hành.
Nhiều khoản phí, lệ phí được
giảm đến 50% mức phí quy định trước đó, như: Lệ phí cấp giấy phép thành lập và
hoạt động của ngân hàng; lệ phí giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức
tín dụng phi ngân hàng; phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng; phí thẩm định thiết
kế cơ sở; phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy
phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán
(trừ 2 khoản phí, lệ phí quy định); lệ phí cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm
không kinh doanh; lệ phí sở hữu công nghiệp; lệ phí nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền
sở hữu trí tuệ; lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp,
công bố, đăng bạ đại diện sở hữu công nghiệp...
Sửa
đổi hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội
Có hiệu lực từ ngày 20/1/2022,
Thông tư 20/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số
25/2015/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi
thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Thông tư sửa đổi, bổ sung khoản
4 Điều 6 Thông tư số 25/2015/TT-NHNN về mức cho vay như sau: Đối với khách hàng
vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của mình thì mức vốn
cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay, tối đa không quá
500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.
Thực
hiện dân chủ trong thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Thông tư số 117/2021/TT-BCA của
Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác thanh tra, giải quyết
khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng của Công an nhân
dân có hiệu lực từ ngày 15/1/2022.
Mục đích thực hiện dân chủ
trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng,
chống tham nhũng là phát huy quyền làm chủ của nhân dân, của cán bộ, chiến sĩ
CAND trong công tác. Công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả công tác thanh
tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng của
CAND. Phòng ngừa các hành vi tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà của cán bộ, chiến
sĩ CAND khi thực hiện công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp
công dân và phòng, chống tham nhũng./.